Du khách khắp nơi chắc chắn không phải hối tiếc khi có mặt tại Huế trong những ngày này.
Cởi bỏ tấm áo trầm mặc
Festival Huế 2016 được tổ chức có quy mô quốc gia và quốc tế, gắn với các sự kiện lịch sử văn hóa của Thừa Thiên Huế: Kỷ niệm 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế; 380 năm đô thị Huế; đồng thời, kết hợp các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội có tính cộng đồng, mới lạ, hấp dẫn, tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế đã được xây dựng qua các kỳ festival lâu nay.
Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, rút kinh nghiệm từ những lễ hội trước, năm nay, công tác chuẩn bị cho Festival 2016 đã được các đơn vị tổ chức chỉnh trang lại phố Tây Phạm Ngũ Lão để dành cho các lễ hội đường phố về đêm, các chương trình ẩm thực… phục vụ các du khách thích chơi khuya… Ngoài những chương trình nghệ thuật lớn đã trở thành thương hiệu và để lại dấu ấn trong lòng người xem nhiều năm nay như: Lễ khai mạc, chương trình nghệ thuật đường phố, Lễ tế giao, Đêm hoàng cung, Lễ hội áo dài, Liên hoan ẩm thực quốc tế... Festival Huế 2016 đã có thêm những chương trình văn hóa nghệ thuật mới như “Triển lãm cổ vật Di sản văn hóa nghệ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo khu vực phía Nam” và “Lễ hội khinh khí cầu”… - những chương trình lần đầu tiên có mặt tại mùa festival năm nay. Trong đó, “Lễ hội khinh khí cầu” thực sự là điểm nhấn thu hút toàn bộ những du khách trẻ tuổi, tạo nên niềm hứng thú, phấn khích thực sự cho lễ hội.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hoạt động hưởng ứng còn có Phiên họp đầu tiên của dự án "Mạng lưới các TP văn hóa của Diễn đàn Hợp tác khu vực Đông Á – Mỹ la tinh (FEALAC)" và Festival Y học và khoa học Huế. Đây là những điểm nổi bật tại Festival Huế lần này. Tổ chức đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Ban tổ chức Festival Huế 2016 muốn thu hút đông đảo hơn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và theo dõi các sự kiện văn hóa. Vì thế đây được coi là cơ hội để Huế có điều kiện quảng bá tốt hơn cho sự kiện văn hóa đặc biệt này cũng như những tiềm năng du lịch của đất Cố đô.
Đôi chân trăm tuổi hòa nhịp cùng lễ hội
Năm nay, lần đầu tiên Kim ấn và Kim sách triều Nguyễn được trở về cố hương, ra mắt tại festival sau hơn 70 năm không xuất hiện tại Huế. Đây là sự kiện được người dân Huế đặc biệt hào hứng.
Từ ngày 23/4, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mở cuộc triển lãm “Bảo vật Hoàng cung: Kim ấn và kim sách thời Nguyễn”. 3 cuốn kim sách và 1 kim ấn quý đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho Huế mượn để trưng bày, triển lãm. Gồm 1 kim sách bằng vàng ròng đời Minh Mạng thứ 21 (năm 1840), trọng lượng 4.529gr, nội dung tấu về việc lên ngôi của Hoàng tử trưởng Trường Khánh Công Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là hoàng đế Thiệu Trị). 1 kim sách bằng bạc mạ vàng nặng 1.340gr năm Minh Mạng thứ 11 (1830). Và 1 kim sách bằng vàng ròng thời Gia Long thứ 5 (1806) nặng 1.371gr, nội dung Hoàng đế Gia Long truy tôn thụy hiệu Hiếu Văn hoàng đế, miếu hiệu Hi Tông (tức Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên).
Riêng Chiếc kim ấn có tên Ấn Hoàng đế Tôn Thân Chi Bảo làm bằng vàng ròng trọng lượng 8.989gr vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8 (1827); ấn dùng để đóng trên các văn bản khuyến giáo dân chúng hoặc sắc bằng khen tặng các nhân vật hiếu hạnh, tiết nghĩa. Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, các kim ấn và kim sách mới được “hồi cố hương” về lại Huế - nơi nó sinh ra để người dân và du khách chiêm ngưỡng.
Kim ấn biểu thị cho quyền lực tối cao của Hoàng đế và cả triều đại, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước dưới thời Nguyễn. Trong suốt 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 ấn bằng vàng và bằng ngọc, chưa kể số ấn tín quý khác dùng trong hoạt động hành chính của triều đình. Kim sách là một loại thư tịch cổ đặc biệt được làm bằng vàng, ghi lại những sự kiện trọng đại của triều đình, dành cho Hoàng đế hoặc Hoàng hậu. Khi triều Nguyễn kết thúc vai trò của mình trong lịch sử, vào năm 1945, hầu hết các kim ấn và kim sách cùng nhiều hiện vật quý của triều đình được di chuyển ra Hà Nội để đảm bảo an toàn tối đa trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Từ đó đến nay đã 71 năm, đây là lần đầu tiên một số ít các bảo vật đó được đem về Huế để triển lãm.
Ông Tôn Thất Viễn Bào - Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu các vua Nguyễn tại Huế) xúc động tâm sự: “Là dòng dõi hoàng tộc của triều đình xưa nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy ấn quý và sách quý bằng vàng. Hy vọng sẽ có thêm các cuộc triển lãm như thế này để con cháu các vua ở Huế và người dân tại đây chiêm ngưỡng di sản quý giá nhất của cha ông”.
Thông tin này khiến những người bấy lâu không còn màng đến thế sự tại Huế cũng không thể ngồi yên. Cụ bà Nguyễn Thị Dinh - cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, nhân chứng duy nhất của quyết định đầy tính dân tộc khi vua Bảo Đại chấp nhận lời mời của Việt Minh (tại cung An Đinh) để ra Bắc gặp Cụ Hồ bỗng khỏe mạnh lạ thường ở cái tuổi 96. Cụ Dinh ngồi đọc báo đưa tin về Kim sách và Kim ấn trở lại Huế với sự hào hứng đặc biệt. Cung nữ cuối cùng của nhà Nguyễn bồi hồi chia sẻ: “Xa hắn (Kim sách và Kim ấn - PV) từ bữa Ngài (Bảo Đại) thoái vị. Nay báu vật về Cố đô, bữa mô vô hội, nhắc Trị (con trai cụ Dinh - PV) đưa tui đi gặp hắn (Kim sách và Kim ấn) liền. Cũng coi để biết Huế chừ lễ hội ra răng”.
Kim ấn và Kim sách lần đầu về Huế sau hơn 70 năm.
|
Cụ Nguyễn Thị Dinh - cung nữ cuối cùng triều Nguyễn rất hào hứng với Festival Huế 2016 ở cái tuổi 96.
|
* Theo ban tổ chức, có 9 quốc gia là Anh, Hà Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines và đại diện duy nhất của Việt Nam là Hãng hàng không Vietjet sẽ có mặt tham gia trình diễn khinh khí cầu quốc tế Huế 2016. Mỗi đại diện quốc gia sẽ mang đến một khinh khí cầu có kích thước cao 25m, rộng 18m, trọng lượng tối đa 300kg để bay trình diễn và phục vụ du khách tham quan ngắm cảnh Huế từ trên cao. * Lịch cụ thể các lễ hội và chương trình nghệ thuật Festival Huế 2016: - Chương trình nghệ thuật Khai mạc, 20 giờ 00 phút ngày 29/4/2016 tại Ngọ Môn – Kỳ Đài; - Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, 19 giờ 30 phút từ ngày 30/4/2016 đến 3/5/2016 tại các sân khấu trong Đại Nội và Cung An Định; - Đêm Hoàng Cung, ngày 1/5 và 3/5/2016 tại Đại Nội (không có dạ tiệc bắt đầu lúc 19 giờ 00 phút; có dạ tiệc bắt đầu lúc 20 giờ 00 phút (sân điện Cần Chánh - Đại Nội); - Chương trình giới thiệu Tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế "Về miền Hương Ngự", ngày 1/5 và 2/5/2016 (chương trình chính thức 19 giờ 30 phút ngày 2/5/2016) tại đình làng Kim Long; - Lễ hội Quảng Chiếu, 20 giờ 00 phút ngày 1/5/2016 tại Công viên Thương Bạc; - Lễ hội đường phố các nước Đông Á - Mỹ La Tinh, 1/5 và 3/5/2016 trên những đường phố chính trong TP Huế; - Lễ Tế Giao, 0 giờ 5 phút ngày 29/4/2016 tại Đàn Nam Giao; - Lễ hội “Hương xưa làng cổ”, 30/4 đến 2/5/2016 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; - Ngày hội Khinh khí cầu quốc tế tại Festival Huế 2016 sẽ biễu diễn vào 2 ngày 4/5 và sáng 5/5 với nhiều loại hình như Khinh khí cầu bay tự do với độ cao từ 300 - 500m, bán kính 5 - 10km; Khinh khí cầu mini neo đậu tại chỗ... Đội ngũ phi công đến từ các quốc gia: Thái Lan, Malaysia, Thụy sỹ, Hàn Quốc, Mỹ…; - Chương trình áo dài Festival Huế 2016, 20 giờ 00 phút ngày 30/4/2016 tại Bia Quốc Học; - Chương trình nghệ thuật Bế mạc, 20 giờ 00 phút ngày 4/5/2016 tại Ngọ Môn – Kỳ Đài... |