Theo đó, để hoàn thành chỉ tiêu lọt vào Top 10, từ nay đến năm 2019, ngành thể thao cần đến cả ngàn tỷ đồng cho công tác đào tạo.
Top 10 châu lục
Tại ASIAD 18, với tư cách là nước chủ nhà, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đặt mục tiêu sẽ lọt vào Top 10 chung cuộc. Đây thực sự là một mục tiêu đầy tham vọng khi mà tại các kỳ ASIAD vừa qua, TTVN chỉ giành được thứ hạng khiêm tốn. Như đã biết, 4 năm trước, tại Quảng Châu, chúng ta dù rất nỗ lực nhưng cũng chỉ giành được 1 HCV.
ASIAD là một sân chơi hoàn toàn khác với SEA Games. Các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của Đại hội phải là những môn Olympic hoặc có trình độ phát triển cao. Nước chủ nhà chỉ được phép đề xuất đưa vào chương trình thi đấu 3 môn thể thao mà mình có thế mạnh. Chính vì thế, để hoàn thành được chỉ tiêu lọt vào Top 10 chung cuộc, TTVN cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ về nhân lực và công tác đào tạo phải được tiến hành ngay từ bây giờ.
Theo ông Vương Bích Thắng, hiện cả nước có khoảng 14.000 VĐV thể thao đỉnh cao trong diện quy hoạch. Trong số này, có 1.000 VĐV thuộc biên chế các ĐTQG. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để chuẩn bị cho ASIAD 2019. Tuy nhiên, vấn đề mà những người làm TTVN quan tâm lúc này là phải ngay lập tức tiến hành sàng lọc, tuyển chọn và đưa các VĐV thuộc diện tạo nguồn đi đào tạo. Bởi lẽ, có những môn thể thao như bơi lội, điền kinh hay thể dục dụng cụ cần phải tuyển chọn được một thế hệ VĐV mới vì những con người hiện tại sẽ không có mặt tại ASIAD vào 5 năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch đào tạo "gà nòi" cho TTVN chỉ có thể được khởi động khi các đề án chuẩn bị cho ASIAD được các cơ quan chức năng thông qua.
Đầu tư cho VĐV trọng điểm
Để hoàn thành chỉ tiêu tại ASIAD, ngành thể thao đã đưa ra đề án đào tạo VĐV theo diện trọng điểm. Theo đó, những VĐV được dự báo có thể giành huy chương sẽ nhận được sự đầu tư tương xứng. Ông Vương Bích Thắng cho biết: "Ngành thể thao sẽ lên danh sách 50 VĐV có khả năng giành huy chương để tiến hành đào tạo dài hơi. Chi phí cho mỗi VĐV thuộc diện này có thể lên đến 2 tỷ đồng/năm. Quá trình đào tạo sẽ được kéo dài 5 năm".
Theo tính toán, để thực hiện chiến lược đào tạo "gà nòi", ngành thể thao cần nguồn kinh phí lên đến 528 tỷ đồng trong 5 năm. Bên cạnh đó, sẽ còn tiến hành đào tạo cho khoảng 150 VĐV theo diện "đặc thù". Đây là những người cũng có khả năng giành huy chương tại ASIAD. Kinh phí chi cho kế hoạch đào tạo này cũng lên đến trên 300 tỷ đồng. Hai nhóm VĐV này sẽ được hưởng chế độ đặc biệt về tập huấn cũng như dinh dưỡng. Khi cần thiết, họ sẽ được gửi ra nước ngoài tập luyện và thi đấu.
Ngoài ra, để có được một "chân đế" tốt, ngành thể thao còn tiếp tục duy trì một lực lượng VĐV đông đảo với quân số lên đến 650 người. Các VĐV này sẽ được tập huấn trong nước và cử đi tập luyện, thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài. Kinh phí đào tạo lực lượng VĐV này được lấy từ nguồn kinh phí thường xuyên hàng năm của ngành thể thao.
Với số tiền đầu tư lên đến cả ngàn tỷ đồng, các nhà hoạch định chính sách của thể thao Việt Nam hy vọng, từ nay đến năm 2019 sẽ có đủ lực lượng VĐV thiện chiến để chinh phục đỉnh cao ASIAD.