Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cô gái khiếm thị giàu nghị lực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mất thị lực từ năm 6 tuổi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, chị Đỗ Thúy Hà đã chinh phục được nhiều đỉnh cao và có được hạnh phúc gia đình trọn vẹn.

Những đỉnh cao

Căn bệnh thoái hóa võng mạc cướp đi thị lực của Hà khi mới 6 tuổi, nhưng nhờ có sự động viên của mẹ, Hà đã dần thích nghi với cuộc sống không có ánh sáng. Kể từ  khi theo học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, suốt 12 năm liền, Hà luôn đoạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Đặc biệt, năm lớp 9, tại cuộc thi Olympic Tiếng Anh toàn miền Bắc, Hà đã vượt qua nhiều học sinh bình thường khác để đoạt giải Ba. Năm lớp 11, tài năng của cô gái khiếm thị còn được khẳng định khi trở thành học sinh khiếm thị duy nhất giành giải "Nữ sinh Việt Nam".


Cô gái khiếm thị giàu nghị lực - Ảnh 1

Chị Đỗ Thúy Hà cùng con trai và những người bạn Nhật.Ảnh: Đông Phương


Không chỉ thi đỗ vào khoa tiếng Anh, Đại học Mở Hà Nội mà ngay trong năm học thứ hai, Hà đã trở thành một trong những ứng viên khuyết tật của khu vực châu Á - Thái Bình Dương giành suất học bổng 2 năm về "Kỹ năng lãnh đạo" tại Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên một học sinh khuyết tật Việt Nam được tham gia vào khóa đào tạo này. Buộc phải thành thạo tiếng Nhật trong vòng 3 tháng, đối với một người sáng mắt đã khó, với một người khiếm thị như Hà còn khó hơn. 

Vũ khí duy nhất của chị là quyết tâm phải giữ thể diện cho đất nước và khẳng định năng lực của bản thân. Vì thế, không chỉ thông thạo tiếng Nhật trong thời gian ngắn kỷ lục, suốt 2 năm sống và học tập tại Nhật, Hà tự làm lấy tất cả mọi việc, kể cả việc phải qua hai trạm tàu điện ngầm mới tới được trường. 

Trái tim thay đôi mắt

Năm 2006, Hà về nước và tiếp tục học tập, nghiên cứu tại Đại học Mở Hà Nội. Nhiệt huyết và tấm lòng biết yêu thương, chia sẻ của chị khiến anh Đỗ Ngọc Anh (sinh năm 1974) cảm mến nhưng bố mẹ và họ hàng không đồng ý cho con trai kết hôn với người khiếm thị. Thế rồi, sau khi tiếp xúc với chị Hà nhiều lần, gia đình anh Ngọc Anh không những đồng cảm, quý mến mà còn rất yêu thương chị. 

Đám cưới của anh chị được tổ chức vào tháng 2/2011 là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của chị. Hạnh phúc của đôi bạn trẻ cũng đơm hoa kết trái sau khi Hà sinh được một bé trai kháu khỉnh. Vừa tự mình chăm con, vừa tham gia công tác xã hội, hạnh phúc gia đình đã nâng bước chị đi tới những thành công mới. Hiện tại, chị là Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa. 

Ngoài 8 tiếng làm việc ở Hội, mỗi thứ Bảy, Chủ nhật, và 2 đến 3 tối trong tuần chị còn dạy tiếng Anh, tiếng Nhật miễn phí cho các cháu khiếm thị và dạy tiếng Việt cho khoảng 10 người Nhật. Chị cũng đã thành lập một nhóm tình nguyện làm sách chữ nổi để tặng trẻ khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, các trường khiếm thị tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương. Mong muốn lớn nhất của chị Hà là mở thêm những lớp học, những sân chơi cho người khiếm thị để động viên tinh thần và giúp họ nâng cao hiểu biết. 

Muốn làm được điều đó chị cần sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm. "Nếu họ tin tưởng, tôi sẵn sàng là người đứng ra tổ chức, là người trung gian thực hiện những công việc đó để giúp những người khiếm thị thấy mình là người "tàn nhưng không phế" - chị nói.