Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cô gái "se duyên" giữa khoai tây - cà chua

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trang Nhã thổ lộ, lúc còn học phổ thông, cứ sau giờ đến trường Nhã lại giúp bố cuốc cỏ, đào đất, tưới rau nên hiểu rõ sự vất vả của người nông dân.

KTĐT - Trang Nhã thổ lộ, lúc còn học phổ thông, cứ sau giờ đến trường Nhã lại giúp bố cuốc cỏ, đào đất, tưới rau nên hiểu rõ sự vất vả của người nông dân. Trên 2,5 sào đất, bố Nhã thường trồng khoai tây, cà chua, xà lách… Từ lúc đó Nhã nghĩ tới việc tạo ra một giống cây gì đó có lợi nhất cho người nông dân để họ bớt vất vả.

Cùng một thân cây nhưng phần rễ cho củ khoai tây, phần thân cho quả cà chua – giống cây độc đáo này đang gây sự chú ý cho giới khoa học và nhiều nhà vườn.

Công trình khoa học này vừa được Thành Đoàn TP.HCM trao giải II sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka lần thứ 11 năm 2009 cho Nguyễn Thị Trang Nhã, sinh viên khoa Công nghệ sinh học (CNSH), trường ĐH Nông Lâm (TP.HCM). Trong khu vườn nhỏ trên đường Trần Quang Khải, P.8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị với cô sinh viên đã làm "bà mai" cho cuộc “hôn phối” táo bạo này.

Muốn giúp nông dân bớt khổ

Trang Nhã thổ lộ, lúc còn học phổ thông, cứ sau giờ đến trường Nhã lại giúp bố cuốc cỏ, đào đất, tưới rau nên hiểu rõ sự vất vả của người nông dân. Trên 2,5 sào đất, bố Nhã thường trồng khoai tây, cà chua, xà lách… Từ lúc đó Nhã nghĩ tới việc tạo ra một giống cây gì đó có lợi nhất cho người nông dân để họ bớt vất vả.

Tốt nghiệp THPT tại trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, với học lực khá giỏi, nhiều người khuyên Trang Nhã thi vào ngành y, nhưng Nhã lại thi tuyển vào khoa CNSH, trường ĐH Nông Lâm. Từ giữa năm học thứ 2, Trang Nhã ngỏ ý với thầy cô muốn nghiên cứu ghép cà chua lên thân cây khoai tây để tạo cây 2 trong 1. Thầy cô cảnh báo đây là đề tài hay nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì muốn trồng khoai tây phải về Đà Lạt, còn vườn ươm nghiên cứu lại ở TP.HCM.

Thế nhưng Trang Nhã vẫn âm thầm chứng minh quyết tâm của mình bằng cách thường xuyên thí nghiệm ở vườn ươm. Mỗi dịp về nhà ở Đà Lạt, Trang Nhã lại nhờ bố mua sẵn cây cà chua để ghép lên cây khoai tây trong vườn. Một lần, Trang Nhã đưa ra đồng trồng 30 cây ghép, có 2 cây sống. Sau một thời gian thấy cà chua ra trái bình thường, lòng Nhã khấp khởi mừng, nhưng lại hồi hộp không biết khoai tây có tạo củ không? Bất ngờ đến tháng thứ 3, Nhã nghe bố gọi điện báo tin khoai tây đã ra củ rồi! Cô hét toáng lên: “Như vậy là thành công rồi!” và tức tốc đón xe về Đà Lạt.

Ảnh minh họa 
Cùng một thân cây vừa cho quả cà chua, vừa cho củ khoai tây

Tạo cây 2 trong 1

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Linh (cô chủ nhiệm lớp của Nhã) nhận thấy sự quyết tâm và ý chí vượt khó của cô sinh viên gốc Đà Lạt, nên đồng ý để Trang Nhã đăng ký đề tài khoa học cấp trường “Kỹ thuật ghép ngọn cà chua trên gốc khoai tây tạo cây ghép có khả năng đồng thời cho củ và quả”, và tận tình hướng dẫn phương pháp nghiên cứu khoa học một cách bài bản. Tiến sĩ Lê Đình Đôn, Trưởng khoa CNSH đã đề xuất nhà trường hỗ trợ Trang Nhã 8 triệu đồng thay vì 5 triệu đồng/đề tài, vì biết Nhã phải lên xuống Đà Lạt - TP.HCM nhiều lần. Để thực hiện đề tài, Nhã phải về Đà Lạt mua củ giống khoai tây, hạt cà chua mang về vườn ươm của trường, đồng thời nhờ bố mua ngọn cây cà chua từ Đà Lạt gửi về TP.HCM để ghép vào cây khoai tây. Khi cây ghép sống được rồi lại gửi ngược lên Đà Lạt nhờ bố trồng và chăm sóc. Cứ vậy, Trang Nhã làm hàng trăm thí nghiệm khác nhau để chọn ra tuổi nào ghép là tối ưu nhất. Bên cạnh đó, Nhã còn phải nghiên cứu ảnh hưởng của các hàm lượng phân bón đến sinh trưởng của cây ghép, năng suất và chất lượng của sản phẩm cây ghép để làm tiền đề cho việc xây dựng một quy trình trồng cây ghép cà chua - khoai tây về sau.

Sau bao tháng ngày vất vả, đề tài nghiên cứu đã cho kết quả khá mỹ mãn khi cây khoai tây - cà chua cho năng suất khá cao, bình quân một vụ đạt hơn 19 tấn củ khoai tây và khoảng 38 tấn cà chua/ha. Bất ngờ hơn, qua phân tích hàm lượng các chất trong củ và quả cho thấy vitamin C trong cà chua ghép đạt 8,77 (cà chua thường trồng đối chứng là 3,53), còn khoai tây ghép là 0,27 (khoai tây không ghép là 0,03); tinh bột trong cà chua ghép là 0,02 (không ghép là 0,02), khoai tây ghép là 2,04 (không ghép là 1,66)...

Với tấm bằng tốt nghiệp thủ khoa khoa CNSH, Trang Nhã được tuyển thẳng học cao học, nhưng cô muốn trở về Đà Lạt để thâm nhập thực tế, để biết nhu cầu xã hội đang cần gì thì mới trở lại giảng đường nghiên cứu.

Cũng với đề tài này, Nhã được trao giải III về nghiên cứu khoa học của Bộ GD-ĐT.