Như nhiều người đánh giá, những thước phim "nói thật" này không chỉ mang đến cơ hội khám phá thế giới cho công chúng, mà còn là cơ hội cho các nhà làm phim Việt "nhận ra mình" trong bối cảnh làm phim chung của khu vực và thế giới.
Sắc màu cuộc sống
Ở lần thứ 5 này, LHP hội tụ được phim của 8 nước châu Âu (Bỉ, Đức, Thụy Điển, Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Anh) với nhiều góc cuộc sống. Bóng bàn ping pong của nước Anh mang đến câu chuyện hài hước và tinh tế về những người cao tuổi trên thế giới; Con tàu của kẻ săn bàn thắng nói đến mối liên quan của một cựu cầu thủ chuyên nghiệp tới vụ bê bối về lao động trẻ em ở Tây Phi. Hai bộ phim của Pháp và Bỉ (Phóng viên chiến trường và Nỗi niềm thuộc địa) lại đề cập tới vấn đề đối mặt với chiến tranh… Đó không chỉ là những hình ảnh đẹp, chân thực ở các quốc gia tham dự LHP mà còn hàm chứa nhiều thông điệp cuộc sống.
Cảnh trong phim "Phóng viên chiến trường" (phim Pháp) tham dự liên hoan phim
Đáng nói ở LHP năm nay là chùm phim Bỉ và chùm phim Đông Nam Á được "tuyển" từ Indonesia, Malaysia, Myanmar, Campuchia và Philippines (công chiếu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào 9/6). Chùm phim của điện ảnh Bỉ mang nhiều màu sắc cuộc sống, từ câu chuyện đưa điện về một ngôi làng nhỏ hẻo lánh ở miền Nam Maroc (Trà hay điện), đến phiên tòa xử lãnh đạo các lực lượng cực đoan trong vụ diệt chủng người Tutsi và vụ thảm sát những người đối lập Hutu tại Rwanda năm 1994 (Bruxelles - Kigali). Hay câu chuyện về cậu bé người Nga trải qua mùa hè trong một trại huấn luyện khác thường (Một mùa hè với Anton), câu chuyện đan xen giữa lịch sử của một gia đình có hai dòng máu Bỉ - Rwanda và lịch sử của một dân tộc thuộc địa (Nỗi niềm thuộc địa)… Chùm phim Đông Nam Á (Ngọn đồi còn sống, Sân khấu, Quyền của người chết, Hai cô gái ngược chiều trong mưa, Trò chơi xã hội và Cha mẹ xin lỗi con) lại đi vào những vấn đề đang được quan tâm trong xã hội hiện nay cũng như lật lại những câu chuyện trong quá khứ… Tất cả đều đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế.
Cơ hội "nhận ra mình"
Sau 4 năm tổ chức, LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam đã chứng tỏ không chỉ là một hoạt động thường niên, mà còn là điểm hẹn thực sự để người yêu điện ảnh và người làm điện ảnh ngóng đợi. Ngoài các bộ phim, năm nay, các nhà làm phim Việt còn có "lời hẹn" buổi giao lưu với 3 nhà làm phim nước ngoài: Heidi Specogna (Đức), Patrick Chauvel (Pháp) và Andre Van In (Bỉ). Đặc biệt, các đạo diễn già tuổi nghề này còn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm với các đạo diễn và sinh viên điện ảnh Việt Nam. Một số khóa đào tạo ngắn dành cho nhà làm phim trẻ cũng được tổ chức ngay tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư với sự hỗ trợ của Phái đoàn Wallonie & Bruxelles. Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư cho biết: "LHP không chỉ giúp các nhà làm phim Việt Nam được tiếp cận, học hỏi các phong cách làm phim khác nhau, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác, đào tạo". Từ sau LHP tài liệu đầu tiên, đã có khoảng 6 - 7 khóa đào tạo làm phim tài liệu được tổ chức. Từ những gì được xem, được nghe và được học, các nhà làm phim Việt sẽ định hình được con đường họ cần đi để hòa nhập được với điện ảnh thế giới.
"Hiện nay, điện ảnh tài liệu đang phát triển ngày một mạnh mẽ và đạt được nhiều thành công trên thế giới. Điều đó cho thấy công chúng cũng đã trở lại và đón nhận phim tài liệu nhiều như thế nào"- bà Almuth Meyer-Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe Hà Nội nhận định. Vì thế, LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam càng được kỳ vọng sẽ trợ lực cho các nhà làm phim tài liệu Việt.