Cơ hội cho Nga từ cuộc khủng hoảng năng lượng của EU

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bloomberg dẫn lời quan chức Chính phủ Moscow nói rằng, ngay cả khi Tổng thống Vladimir Putin được mong đợi trở thành "vị cứu tinh" cho vấn đề năng lượng của châu Âu lúc này, Nga không tham vọng đạt được những nhượng bộ chính trị từ EU.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Dịch vụ báo chí của Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga

Trong bối cảnh giá khí đốt tại châu Âu dao động kỷ lục ngày lên tới 40%, Tổng thống Nga Putin đã thực hiện một can thiệp để hạ nhiệt thị trường vào tuần trước, bằng cách nói rằng Tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom có thể tăng nguồn cung để giảm bớt tình trạng thiếu hụt.

Bloomberg dẫn lời 2 nguồn thạo tin cho biết, ông Putin đang muốn thúc ép Liên minh châu Âu (EU) viết lại một số quy tắc cho thị trường khí đốt của khối này, sau nhiều năm phớt lờ những lo ngại của Moscow, đặc biệt là loại bỏ việc định giá giao ngay sang các hợp đồng dài hạn với Gazprom. Điện Kremlin cũng đang thúc đẩy EU sớm cấp giấy phép hoạt động cho đường ống Nord Stream 2 từ Nga tới Đức, để bổ sung vào việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Tuy nhiên, ngay cả khi Tổng thống Vladimir Putin được mong đợi trở thành "vị cứu tinh" cho vấn đề năng lượng của châu Âu lúc này, Nga không tham vọng đạt được những nhượng bộ chính trị từ EU - một quan chức của Chính phủ Moscow nói với Bloomberg.

Andrei Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga do Điện Kremlin thành lập, nói: "Tổng thống Putin cảm nhận được cơ hội từ cuộc khủng hoảng. Điều Nga thực sự muốn là ngăn EU cản trở việc chứng nhận Nord Stream 2 và bắt đầu các cuộc đàm phán về giá khí đốt ổn định trong dài hạn".

Tổng thống Putin đã đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay một phần do bởi các quan chức và cố vấn "quan cách" của EU - những người mà ông cho rằng đã thúc đẩy việc chuyển sang định giá giao ngay, bất chấp mọi trao đổi, góp ý.

Châu Âu hiện phụ thuộc vào Gazprom cho khoảng 1/3 nguồn cung khí đốt tự nhiên. Trong khi kho lưu trữ khí đốt của lục địa này - hiện đang trong quá trình hồi phục từ mức thấp kỷ lục của thời điểm này trong năm - rất hạn chế về các nguồn cung khí đốt khác.

Hiện tại, khoảng 20% nguồn cung cấp khí đốt ở châu Âu của Gazprom có liên quan đến giá dầu, và hơn 50% được định giá theo giá cả ngày hoặc trước tháng.

"Định giá giao ngay của châu Âu không phải là một công cụ cung cấp sự cân bằng lâu dài về lợi ích cho người mua và người bán" - Phó Giám đốc điều hành Gazprom Elena Burmistrova phát biểu tại Diễn đàn Khí đốt Quốc tế St. Petersburg hôm 7/10 vừa qua - "Mua khí đốt với giá hợp lý tất nhiên là tốt, nhưng thậm chí sẽ còn tốt hơn nếu biết trước chính xác chi phí của nó trong một tháng, một quý và một năm".

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak - người giám sát chính sách năng lượng quốc gia - hôm 12/10 nói rằng, sự chuyển đổi vội vàng từ các nguồn điện truyền thống sang năng lượng tái tạo đã góp phần vào sự suy giảm nguồn cung của châu Âu. Tuần trước, quan chức này cũng nói với Tổng thống Putin rằng việc châu Âu nhanh chóng phê duyệt Nord Stream 2 - do Gazprom quản lý - để cung cấp khí đốt sẽ mang lại "tín hiệu tích cực" cho các thị trường.

Xuất khẩu của Gazprom sang châu Âu gần đạt mức kỷ lục trong nửa đầu năm nay, nhưng đã giảm trong tháng 9 do EU đang phải vật lộn để bổ sung các kho dự trữ. Nga cũng đã và đang bổ sung các khu lưu trữ của riêng mình, làm dấy lên những tuyên bố rằng Moscow cố tình "giữ vòi".

Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc, khẳng định Nga luôn hoàn thành tất cả các nghĩa vụ trong hợp đồng với tư cách là một đối tác năng lượng đáng tin cậy. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hôm 12/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Gazprom đã bắt đầu bơm khí đốt từ kho dự trữ của mình để giảm giá tăng cao, đồng thời muốn làm việc với các nước châu Âu để xoa dịu thị trường.

Về phần mình, EU dường như đặt cược rằng cuộc khủng hoảng khí đốt sẽ chỉ là ngắn hạn. Khối hiện tập trung vào việc giúp các quốc gia thành viên vượt qua mùa Đông trước mắt, với dự báo rằng giá cả vẫn sẽ ở mức cao, trong khi Nord Stream 2 có thể phải mất vài tháng nữa mới bắt đầu được hoạt động.

Ủy viên Năng lượng của EU Kadri Simson hôm 12/10 nói rằng, kho chứa khí đốt dưới lòng đất trong khu vực hiện ở mức khoảng 75% công suất, thấp hơn nhiều so với thập kỷ trước, nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu.

EU được cho cũng đang lên kế hoạch thiết lập cơ chế mua khí đốt chung bởi các quốc gia thành viên để tăng cường đòn bẩy mua với các bên thứ 3, nằm trong một loạt công cụ sẽ được đề xuất trong hôm nay.

Điều này, theo Bloomberg, cũng có nghĩa là EU có khả năng sẽ tránh các hoạt động thu hút bất cứ động thái nào từ chính quyền Tổng thống Putin, đặc biệt là giữa bối cảnh căng thẳng 2 bên đang diễn ra trong loạt vấn đề như Belarus và Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về đợt tăng giá khí đốt và các biện pháp giảm thiểu tác động của nó tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Brussels vào tuần tới, trong khi Tổng thống Putin có bài phát biểu được mong chờ tại Hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga vào hôm nay (13/10).