Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội của Mỹ và Cuba

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những bước đi đáng kể của cả hai bên nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao,...

Kinhtedothi - Sau những bước đi đáng kể của cả hai bên nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ ở Panama hôm 10/4 được nhìn nhận là cơ hội để hâm nóng mối quan hệ bị “đóng băng” suốt hơn 50 năm qua.

Đây là lần đầu tiên Cuba tham gia một Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ và cũng là lần đầu tiên kể từ sau lễ tang cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela vào năm 2013, các nhà lãnh đạo của cả khu vực có cơ hội được hiện diện cùng nhau.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và  Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez ở TP Panama. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez ở TP Panama. Ảnh: Reuters
Cơ hội đối thoại
Theo Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, việc lãnh đạo Cuba có mặt tại hội nghị là một bước tiến quan trọng để cải thiện môi trường đối thoại giữa các nước ở khu vực Bắc Mỹ - Nam Mỹ, giữa Mỹ và các nước Mỹ Latin. Nhận định này càng có cơ sở hơn khi danh sách khách mời Hội nghị còn có những nhà lãnh đạo các nước có mối quan hệ không mấy nồng ấm với Mỹ như Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega - người đã có bài phát biểu chỉ trích chính sách của Mỹ kéo dài tới 50 phút tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực hồi đầu năm 2009.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trước khi lên đường dự hội nghị đã khẳng định sẽ yêu cầu Mỹ “tôn trọng” và không can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela từ Mỹ. Theo ông Maduro, sự can thiệp này đã gây ra sự bất ổn về an ninh chính trị và kinh tế của Venezuela. Trước đó, ít nhất 10 triệu chữ ký của người dân đã được thu thập nhằm yêu cầu Washington hủy bỏ sắc lệnh xem Venezuela là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Để giảm thiểu bầu không khí căng thẳng bao trùm Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, ông Obama đã khẳng định sắc lệnh ngày chỉ là điều kiện tiên quyết để áp đặt trừng phạt, không phải là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn gây hấn.

Cuộc gặp lịch sử

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Cuba được giới chức khu vực và truyền thông toàn thế giới theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Cuba đang tích cực thực hiện các bước đi nhằm đạt được các tiến bộ đột phá trong quan hệ ngoại giao. Ngoài cuộc gặp trực tiếp, Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul còn có cuộc gặp thứ hai trong các nghi lễ chụp ảnh chung và tiệc tối của các nhà lãnh đạo dự hội nghị được chủ trì bởi Tổng thống Panama Juan Carlos Varela. Hơn cả những cái bắt tay ngoại giao, tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đã được “tiến hành như mong đợi” của Tổng thống Obama với những bước đi cụ thể. Kể từ tháng 12/2014 đến nay, các nhà đàm phán Mỹ và Cuba đã gặp nhau 3 lần trong một nỗ lực để xúc tiến thành lập đại sứ quán Mỹ ở Havana.

Đặc biệt, việc Tổng thống Barack Obama khẳng định sớm công bố quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố sau khi nhận được đề xuất chính thức từ Bộ Ngoại giao nước này được cho là một động thái đầy tích cực, thể hiện thiện chí của Washington trước thềm Hội nghị sẽ diễn ra tại Panama. Cuba bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách bảo trợ khủng bố từ năm 1982, cùng với Iran và Syria kèm theo những biện pháp trừng phạt hà khắc về tài chính, thương mại và chính trị. Những chính sách với Cuba được chính quyền Obama thực hiện thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ của tới 59% người Mỹ. Và đúng như dự đoán của các nhà phân tích, nhằm ghi dấu ấn ngoại giao trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama sẽ tận dụng cuộc gặp lịch sử này với Chủ tịch Cuba để đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ bị đóng băng suốt 54 năm qua và thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực đầy tiềm năng là du lịch, thương mại.