Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội cuối cùng cho châu Âu?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước Đức, quốc gia khởi xướng và cũng là hậu thuẫn tài chính của liên minh châu Âu, đã đóng cửa biên giới với người di cư trong một nỗ lực nhằm đảm bảo sự ủng hộ chính trị với Thủ tướng Merkel, người đã “mở cửa” cho một triệu người di cư đến Đức.

Mất Schengen, EU cũng không còn

Hiệp ước Schengen quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên và được coi là một trong những thành tựu chủ chốt của khối Liên minh châu Âu (EU). Đối với công dân nước ngoài chỉ cần có visa của một trong số các thành viên Schengen là được phép đi lại trong toàn bộ khu vực này.

Tuy nhiên, hiện nay, một số nước đã siết chặt biên giới nhằm đối phó với làn sóng di cư, cũng có nghĩa là đi ngược lại Hiệp ước Schengen.
Khủng hoảng di cư đang đe dọa đến sự thống nhất của Liên minh châu Âu.
Khủng hoảng di cư đang đe dọa đến sự thống nhất của Liên minh châu Âu.
Nước Đức, quốc gia khởi xướng và cũng là hậu thuẫn tài chính của khối liên minh hậu chiến này, đã đóng cửa biên giới với người di cư trong một nỗ lực nhằm đảm bảo sự ủng hộ chính trị của Thủ tướng Merkel, người đã “mở cửa” cho một triệu người di cư đến Đức. Động thái này cho thấy, khả năng tan rã liên minh không còn là sự hoài nghi mà đã trở thành một mối lo sợ hiện hữu.

Chủ tịch EU Jean - Claude Junker nhấn mạnh, những thành tựu kinh tế và khu vực đồng Euro (Eurozone) đang gặp phải nguy cơ do khối này mất đoàn kết và đề cao chủ nghĩa dân tộc trong giải quyết khủng hoảng di cư. Ông Jean-Claude Junker cũng cảnh báo, châu Âu đang ở “cơ hội cuối cùng" bởi “mất Hiệp ước Schengen, khu vực Eurozone sẽ không còn giá trị”.

Đồng tình với quan điểm này, Thủ tướng Đức cho rằng, việc thiết lập biên giới quốc gia trong khu vực Schengen đồng nghĩa với sự sụp đổ khu vực đồng tiền chung, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Nữ Thủ tướng Đức cũng tuyên bố "không thể có chung một đồng tiền duy nhất mà lại không có khả năng qua lại biên giới các nước một cách tương đối tự do".

Nhiều người nhận thấy rằng, việc tung ra lo ngại về việc tan rã khối kinh tế chung là chiến lược nhắm vào lãnh đạo các quốc gia châu Âu đang phải phụ thuộc vào nền kinh tế chung để “hàn gắn” khả năng rạn vỡ. Chẳng hạn như Hy Lạp và Italia, 2 quốc gia đang gặp phải vấn đề nợ công hay các nước Đông Âu, được sự hỗ trợ từ Đức để tiếp đón người di cư.

Chờ động thái của Đức

Với vai trò là người sáng lập cũng như “nhà tài trợ” chính của khối, các bước đi tiếp theo của Đức được chờ đợi như những hành động quyết định cho sự sống còn của EU. Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ tấn công xảy ra vào đêm Giao thừa mà nghi phạm chủ yếu là người di cư. Trong nước, bà Merkel đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ những người ủng hộ cũng như các đảng đối lập. Một quan chức cấp cao của EU thẳng thắn: "Có một nguy cơ lớn là Đức sẽ đóng cửa biên giới và Schengen cũng không còn”.

Tuy nhiên, trước những đe dọa này, bà Merkel vẫn chưa cho biết liệu Đức có tăng cường siết chặt kiểm soát biên giới như các láng giềng Áo và Đan Mạch để từ chối tiếp nhận người di cư hay không. Thủ tướng Đức vẫn tỏ thái độ cứng rắn về những hệ lụy EU sẽ gặp phải nếu để mất Schengen. Bà cho rằng châu Âu “có thể tan vỡ” và số phận của khu vực đồng tiền chung có liên hệ trực tiếp với việc giải quyết khủng hoảng di cư.

Vì vậy, một trong những giải pháp trước mắt vẫn là giảm bớt áp lực của dòng người di cư. Các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của EU sau cuộc họp năm ngoái đã được đánh dấu bằng những thỏa thuận về một chiến lược phân bổ. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 300 trong số 160.000 người di cư được định cư tại các quốc gia EU theo chương trình hạn ngạch này. Cùng với chương trình định cư này, một động thái cung cấp việc làm cho 2,1 triệu người di cư Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tài trợ thêm nhiều trường học cho trẻ em di cư.