Việt Nam đã qua 30 năm đổi mới, nhưng đến nay thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ ở mức 2.400 USD/năm. DN FDI cũng chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với tỷ lệ khoảng 70% và cũng là khu vực chiếm tới 30% lực lượng lao động tại các DN, song FDI chưa liên kết với khu vực trong nước, nguyên liệu chủ yếu ở nước ngoài, xuất khẩu cũng ra nước ngoài, và marketing cũng ở nước ngoài... Đó cũng là lý do vì sao GDP Việt Nam tăng cao, nhưng thu nhập người dân không tăng lên.Trong tầm nhìn 2035, nhu cầu nâng cao tiền lương và sản phẩm chất lượng, cho giá trị cao hơn là mục tiêu hướng tới. Làm thế nào để là để tác động của FDI lan tỏa trong nước, làm sao chuyển từ FDI dựa vào nhân công thấp sang sản xuất giá trị cao hơn.Để tránh bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao, các tổ chức trong và ngoài nước đều chỉ ra, chiến lược FDI thế hệ mới của Việt Nam cần tập trung thu hút FDI từ những nhà đầu tư có xu hướng tạo ra mức lương cao hơn, thông qua tạo ra sản phẩm đầu ra có giá trị cao. Đồng thời cần phát triển kỹ năng chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển trong nước; khuyến khích sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, không chỉ năng lượng, mà cả tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguyên liệu thô. Cùng đó, tạo cơ hội cho DN địa phương hợp tác với các DN nước ngoài, trong vai trò cấu thành chuỗi giá trị toàn cầu và không thay thế nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN địa phương và FDI tại Việt Nam, thông qua cải thiện chuỗi cung ứng, hậu cần trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với các doanh nghiệp có vốn FDI. Từ xúc tiến đầu tư, thẩm định cấp phép, quản lý sau cấp phép… (tức là cần cả môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) để có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI.Chúng ta đang sống trong một thế giới biến động và thay đổi nhanh chóng. FDI toàn cầu thay đổi, chính sách bảo hộ áp dụng mạnh mẽ đương nhiên ảnh hưởng tới Việt Nam vì chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh các FTA thế hệ mới đang xuất hiện ngày càng nhiều, dưới cả hình thức song phương và đa phương, đặc biệt hiệp định mới của CPTPP; cùng với đó là hình thức mua bán và sáp nhập phát triển mạnh hơn bên cạnh đầu tư mới như trước đây. Các xu hướng này sẽ có tác động rất lớn tới dòng chảy của vốn ngoại trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, do tốc độ thay đổi nhanh chóng và liên tục có các ngành mới xuất hiện và gần đây, là căng thẳng về đầu tư Mỹ - Trung và nhiều nước đồng minh cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư. Nếu Việt Nam biết lựa chọn, phân biệt thì sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển. Đây là lý do vì sao cần nhanh chóng thực thi một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.