Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam vào thị trường Nga

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chế biến cá tra tại Khu công nghiệp Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng

Chiều 31/10, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã chính thức ký kết biên bản Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Hỗn hợp Việt - Nga về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, theo đó, hai bên nhất trí ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong thời gian tới là phát triển nuôi trồng thủy sản. Đây được coi là cơ hội vàng cho các mặt hàng thủy sản nói riêng và nông sản, thực phẩm của Việt Nam xâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng của Nga.

 
Chế biến cá tra tại Khu công nghiệp Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng
Kinhtedothi - Chế biến cá tra tại Khu công nghiệp Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng
Tại cuộc họp chiều cùng ngày, Ủy ban Hỗn hợp đã tán thành đề nghị của hai bên về việc tiếp tục trao đổi chuyên gia trên cơ sở bình đẳng để trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực phát triển nuôi trồng thủy sản. Hai bên cũng nhất trí tổ chức chuyến thăm của hai chuyên gia Nga đến Việt Nam trong năm 2015 để chia sẻ kinh nghiệm trên cá rô phi nuôi và hai chuyên gia Việt Nam đến Nga để trao đổi kinh nghiệm trong công nghệ phát triển cá tầm. Hai bên đã thảo luận về khả năng cung cấp từ Nga sang Việt Nam vật liệu di truyền các dòng thuần của cá chép để đổi lấy việc cung cấp các vật liệu di truyền cá rô phi sang Nga. Cũng tại buổi lễ ký biên bản này, phía Nga đồng ý sẽ nghiên cứu về khả năng cung cấp cho Việt Nam vật liệu di truyền cá hồi có nguồn gốc Nga và đề xuất một loài thích hợp để tiến hành nghiên cứu khả năng thích nghi của loài này. Tại cuộc họp, phía Việt Nam mong muốn cùng Liên bang Nga ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về hợp tác trong lĩnh vực nghề cá ký ngày 16/6/1994 (gọi tắt là Hiệp định ngày 16/6/1994) nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Nga dự kiến vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh Nga vừa áp đặt thêm lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tạo điều kiện cho hàng nông sản của những thị trường khác, trong đó có Việt Nam vào thị trường rộng lớn này. Ông Vsevolod Vovchenko - Chủ nhiệm phòng châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Phát triển Nga) nhận định: "Triển vọng nới rộng các hợp đồng bán thực phẩm cho Nga đã mở ra với Việt Nam". Trên thực tế, trên khắp nước Nga, từ lâu các mặt hàng nông sản của Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, gạo, trái cây và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác từ Việt Nam đã được biết đến. Những DN Nga chuyên nhập khẩu lương thực, thực phẩm nắm bắt vững hơn tiềm năng của Việt Nam so với của nhiều nước khác, vì thế, ông Vovchenko lạc quan cho biết: "Các sản phẩm nông sản của Việt Nam sẽ không có trở ngại đặc biệt nào để xuất khẩu sang Nga". Tại Diễn đàn Thương mại Việt - Nga do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 8/10, đại diện hơn 20 DN đến từ Nga cho rằng, Nga và Việt Nam là 2 thị trường hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm nhiệt đới, trong khi Nga là một thị trường khá dễ tính, không đòi hỏi chất lượng hàng hóa quá khắt khe như các thị trường Mỹ, EU, Nhật… Đặc biệt, việc thông qua Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh hàng Việt sang các thị trường này khi hàng Việt xuất sang Nga sẽ được giảm thêm 25% thuế suất.
Thời gian qua, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Nga tăng trưởng ổn định ở mức khá cao. Năm 2013, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa 2 nước đạt gần 2,8 tỷ USD và trong 9 tháng đầu năm nay, con số này trên 1,8 tỷ USD (trong đó Việt Nam xuất siêu qua thị trường này). Mục tiêu giữa 2 nước là nâng kim ngạch thương mại lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD năm 2020.