Mặc dù đã được cảnh báo nhưng dường như DN trong nước vẫn chưa đủ lực để trở thành những nhà cung cấp mạnh trong chuỗi giá trị của những DN lớn. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì?
- Thực tế, DN trong nước chưa có điều kiện cần và đủ để kết nối được với các DN FDI, kết nối hiệu quả với các DN Nhà nước lớn trong nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả kết nối cho khu vực kinh tế tư nhân đang là yêu cầu khẩn thiết hiện nay. Giải pháp cấp thiết thời gian tới là phải có chính sách hướng tới hình thành những mối liên kết, hỗ trợ các ngành hàng theo chuỗi giá trị, không nên theo chuỗi cá biệt; Có biện pháp hỗ trợ DNNVV lớn lên để nâng cao năng lực cạnh tranh; Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn, hướng tới sự công bằng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh…
Phần lớn DN trong nước đều là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, ông có lời khuyên gì với các DN này?
- Hội nhập mở ra rất nhiều cơ hội nhưng điều quan trọng và là yếu tố quyết định vẫn chính là ở phía DN. Muốn vậy, bản thân các DNNVV phải đạt được chuẩn mực quản trị toàn cầu, quy mô là quan trọng nhưng chuẩn mực còn quan trọng hơn, nếu DN nhỏ đạt được thì có thể tham gia vào chuỗi giá trị của những DN lớn trên thế giới. Trong khi nếu DN lớn mà chưa đạt thì cũng không thể kết nối tồn tại và phát triển. Hội nhập là cơ hội và thách thức của các DN, nhất là DNNVV phải tự nâng tầm mình lên, đạt được chuẩn mực mới mong có thể cạnh tranh. AEC hình thành vào cuối năm nay, cùng với các FTA được ký kết, không chỉ có các DN trong nước được lợi mà các DN FDI cũng vậy. Lúc đó không chỉ thu hút thương mại mà còn cả đầu tư, trong đó các ngành dệt may, nông nghiệp, điện tử sẽ được hưởng lợi nhất nếu biết tận dụng các cơ hội.
Nhưng phần lớn DN vẫn đang lúng túng trong quá trình hội nhập. Vậy, vai trò của Chính phủ ở đây là gì, thưa ông?
- Hội nhập sâu rộng cũng là cơ hội và thách thức đặt ra đối với Chính phủ, đòi hỏi Chính phủ phải có những chính sách sát thực tiễn để hỗ trợ DNNVV hiệu quả hơn, giúp cho khu vực kinh tế tư nhân đủ lớn mạnh và đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Đơn cử như để nâng cao chất lượng DN thành lập mới trong nền kinh tế, đề nghị Chính phủ có Chương trình quốc gia về khởi nghiệp. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ rủi ro cho các DN và dự án kinh doanh được thành lập trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Mô hình các vườn ươm DN, quỹ đầu tư mạo hiểm… nên được nghiên cứu triển khai rộng khắp để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là trong lớp trẻ, đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp.
Xin cảm ơn ông!