Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo điều tra mới nhất của Tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM) Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro), hiện tỷ lệ thu mua nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang phải mua tại Việt Nam mới đạt 28%, trong khi tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, Thái Lan 53% và ở Trung Quốc là 61%.

Do đó, chuỗi triển lãm về công nghiệp hỗ trợ (CNHT) khai mạc sáng 4/9 tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội được coi là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên chính sân nhà.

 
Hội thảo giao thương giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt - Nhật. Ảnh: Linh Thùy
Hội thảo giao thương giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt - Nhật. Ảnh: Linh Thùy

Thách thức từ môi trường đầu tư

Ông Daisuke Hiratsuka - Phó Chủ tịch Jetro cho biết: Các DN Nhật Bản ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam, thể hiện ở số lượng các đoàn DN đến khảo sát ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Đặc biệt, số DN ngành chế tạo Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng như đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng lớn. Trong đó, gần 56% số dự án và hơn 83% số vốn đầu tư là vào ngành sản xuất chế tạo. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong nội địa hóa (NĐH) linh kiện ở Việt Nam là một vấn đề nan giải mà các DN ngành chế tạo nói chung và DN Nhật Bản nói riêng đang gặp phải. Trong khi chi phí nhân công ở Việt Nam tương đối thấp và có thể cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Thái Lan,… song lại phải phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu linh kiện, dẫn đến có trường hợp tổng chi phí sản xuất lại rất cao. "Việc cải thiện môi trường đầu tư là một thách thức rất lớn. Thực tế, giá trị gia tăng trong sản xuất CN chủ yếu nằm ở CNHT, thậm chí với một số ngành, chỉ tiêu này chiếm tới 90%. Để Việt Nam có thể cạnh tranh với quốc tế, hướng đến mục tiêu tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 và CN hóa đất nước năm 2020, thì sự phát triển của ngành CNHT là không thể thiếu" - ông Daisuke Hiratsuka nhấn mạnh.

“Đòn bẩy” để bứt phá

Trong bối cảnh CNHT của Việt Nam đang rất cần "đòn bẩy" để bứt phá thì đây đã là năm thứ 5, Triển lãm CNHT Việt Nam - Nhật Bản được Jetro và Công ty Reed Tradex phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Đây còn gọi "triển lãm ngược" vì 57 nhà sản xuất lắp ráp ô tô xe máy, điện - điện tử đang hoạt động tại Việt Nam và các nước láng giềng - kể cả từ Nhật Bản, trưng bày những linh kiện phụ tùng mà họ "muốn mua" hoặc "muốn được cung cấp" tại Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức tổ chức triển lãm đặc biệt giúp các DN sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam nâng cao năng lực, tiếp thu công nghệ mới của Nhật Bản và ứng dụng vào sản xuất của mình.

Trong 3 ngày triển lãm cũng diễn ra các triển lãm chuyên đề về công nghệ cao Nhật Bản, triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng CN tại Việt Nam và triển lãm sản phẩm CNHT Việt Nam 2013. Những triển lãm này sẽ tạo nhiều cơ hội kết nối cung - cầu cho hơn 200 DN, chủ yếu đến từ Việt Nam và Nhật Bản.Tại buổi khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chia sẻ: Trong kế hoạch phát triển CN Thủ đô đến năm 2015, phát triển các sản phẩm CNHT nhằm phát huy ảnh hưởng "dây chuyền" trong các công đoạn sản xuất để tạo các sản phẩm trung gian có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành công thương Hà Nội nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và CNH - HĐH Thủ đô. Hà Nội đang liên kết chặt chẽ với các tỉnh, TP trong vùng để phân bổ nguồn nhân lực và phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT.
 
"Thông qua Triển lãm sản phẩm CNHT Việt Nam 2013, các DN Thủ đô và khu vực phía Bắc sẽ có cơ hội tìm hiểu năng lực, hợp tác đầu tư nhằm gia tăng các giao dịch thương mại có giá trị với các đối tác không chỉ từ Nhật Bản mà còn từ các nước trong khu vực ASEAN cũng như thế giới". - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu