Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội thay đổi cục diện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, việc Mỹ mở màn cuộc không kích vào Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tiếp tục thực hiện chiến dịch này trong những ngày qua là sự kiện quốc tế được quan tâm nhất và được cho là sẽ tác động lớn đến cục diện chính trị thế giới.

Với sự hỗ trợ của máy bay các quốc gia thuộc thế giới Ả Rập như Jordan, Saudi Arabia, Bahrain, Qatar và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định chiến dịch không kích là một phần trong cam kết nhằm “làm suy yếu và phá hủy” lực lượng IS ở Syria và Iraq cũng như nhóm khủng bố Khorasan, một chi nhánh của nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda. Điều đáng nói, ngày càng có nhiều nước phương Tây tham gia chiến dịch chống IS do Mỹ đứng đầu trên thực địa. Điển hình là Anh - quốc gia trước đây còn lưỡng lự, hôm 25/9 đã tuyên bố sẽ không đứng ngoài cuộc trong chiến dịch không kích chống IS để hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ từ Chính phủ Iraq và Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Đức, Bỉ và Hà Lan hôm 25/9 cũng lần lượt tiết lộ các kế hoạch đóng góp cho chiến dịch không kích IS.

 
Hoàng tử Khaled bin Salman của Saudi Arabia là một trong 8 phi công tham gia không kích lực lượng IS tại Syria. 	Ảnh: AFP
Hoàng tử Khaled bin Salman của Saudi Arabia là một trong 8 phi công tham gia không kích lực lượng IS tại Syria. Ảnh: AFP
Trong lúc máy bay chiến đấu của các nước Ả Rập và một loạt quốc gia phương Tây đã bay lượn trên bầu trời Syria và Iraq, các nhà quan sát nhận định, chiến dịch không kích này chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể tương quan lực lượng ở Syria và về lâu dài sẽ tác động đến môi trường chiến lược cũng như trật tự khu vực Trung Đông. Lực lượng IS hiện đang nắm quyền kiểm soát phần lớn thung lũng Euphrates nhưng lại đối đầu với cả lực lượng nổi dậy lẫn chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nên chiến dịch này vừa mang đến cơ hội, vừa tạo ra thách thức cho tất cả các bên liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria. Sau khi trở thành bên bị động trong cuộc không kích vừa qua, các nhóm Hồi giáo cực đoan, vốn có mối liên hệ mật thiết chắc chắn sẽ chủ động tìm cách liên kết với nhau nhằm trả đũa Mỹ sau chiến dịch không kích. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho nỗ lực trợ giúp lực lượng nổi dậy Syria mà Washington đang triển khai. Bên cạnh đó, chính quyền của ông Assad sẽ cố gắng nối lại những mối liên hệ về chính trị với các quốc gia Ả Rập khác và cả phương Tây nhằm cải thiện quan hệ, đồng thời tăng cường hợp tác chống IS.Không những thế, giữa lúc Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, việc chi phí cho một ngày không kích IS lên tới khoảng 7 - 10 triệu USD có thể sẽ là một gánh nặng cho chính quyền của Tổng thống Obama nếu nó kéo dài. Ước tính sơ bộ cho thấy, gánh nặng quân sự sẽ lên tới 15 – 20 tỷ USD/năm. Đây là con số không hề nhỏ, do vậy quân đội Mỹ cũng đang dự định đề xuất thêm kinh phí cho các cuộc không kích lên Quốc hội. Hiện chưa biết Quốc hội Mỹ có đồng ý cấp thêm kinh phí cho chiến dịch này hay không nhưng có một điều chắc chắn là lượng tiền ngân sách sắp cạn, trong lúc vẫn phải chia sẻ nguồn lực với các mặt trận khác tại Afghanistan, Iraq… Để thu xếp được nguồn tiền cho riêng mình, chính quyền Mỹ sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn, một là tiến hành giảm biên chế trong quân đội, cắt đáng kể ngân quỹ cho các chương trình sức khỏe và hưu trí hoặc chấp nhận thâm hụt ngân sách và đối mặt với nguy cơ của các cuộc nâng trần nợ công mới. Và điều này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu “làm suy yếu và tiêu diệt” IS cũng như những diễn biến trên chính trường của Mỹ và các nước trong liên minh.