Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/2, lần đầu tiên Hiệp hội thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tổ chức Diễn đàn toàn cảnh TMĐT (VietNam Online Business Forum- VOBF) quy mô toàn quốc và công bố Chỉ số TMĐT Việt Nam 2017.

Diễn đàn đã công bố Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) 2017 dựa trên việc khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp mỗi năm. EBI là nguồn thông tin hữu ích về hoạt động thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như ở mỗi địa phương. EBI 2017 tiếp tục cho thấy TMĐT Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh nhưng chưa thực sự bền vững do lòng tin của người tiêu dùng còn thấp và mức chênh lệch rất lớn giữa TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với các địa phương khác.
 Các diễn giả trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Chỉ số TMĐT nêu rõ, xu hướng của TMĐT phát triển nhanh trong 5 năm qua, đây là cơ hội để xây dựng hệ sinh thái, người tiêu dùng đang tiếp cận các sản phẩm theo một cách hoàn toàn mới. Khả năng tiếp cận thông tin không giới hạn… mạng xã hội, dịch vụ định vị,.. các trang web của các nhà bán lẻ. Xu hướng này mang nhiều tiện dụng cho chúng ta...
Công bố chỉ số TMĐT dựa trên cuộc khảo sát được tiến hành từ cuối tháng 8/2011 đến năm 2016 tại hơn 3.500 doanh nghiệp trong cả nước. Loại hình doanh nghiệp tham gia điều tra, tỷ lệ lớn nhất thuộc về các công ty TNHH, tiếp đó là các công ty cổ phần (34%), doanh nghiệp tự nhân (11%), doanh nghiệp Nhà nước 5%. Các doanh nghiệp lớn chiếm tới 13% số doanh nghiệp tham gia khảo sát, các tỷ lệ này khá tương đồng với cuộc khảo sát năm 2015.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối và công nghiệp chế biến chế tạo là hai nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cuộc khảo sát, tiếp đó là nhóm doanh nghiệp xây dựng (18%). Các nhóm ngành nghề còn lại thấp hơn và đa phần chiếm tỷ lệ dưới 9% trong cuộc khảo sát.
Về trang bị thiết bị điện tử có 99% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, có trang bị máy tính PC và laptop, bên cạnh đó có tới 61% có trang bị cho các thiết bị di động, bao gồm điện thoại thông minh và máy tính bảng. Đối với việc sử dụng email và các công cụ hỗ trợ trong công việc: Năm 2016 có 45% doanh nghiệp cho biết có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc, cao hơn tỷ lệ 39% trong năm 2015; 18% cho biết có dưới 10% lao động thường xuyên sử dụng email.
Xét về quy mô doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa có tỷ lệ ứng dụng email cao hơn các doanh nghiệp lớn. Trong đó, mục đích sử dụng chính của doanh nghiệp vẫn là dùng để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp chiếm 84%. Nhìn chung xu hướng sử dụng email trong các hoạt động của doanh nghiệp đang tăng dần so với các năm trước. Do sự thay đổi về công nghệ nên xu hướng cán bộ chuyên trách về TMĐT dần dần không chuyên sâu về CNTT. Năm 2016, có 34% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, có lao động chuyên trách về TMĐT. Nhóm DN lớn có tỷ lệ lao động chuyên trách cao hơn nhiều so với DN nhỏ và vừa…
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong 4 năm qua của Hà Nội luôn trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số EBI. Đến thời điểm này, đã có hơn 5.600 web TMĐT được tổ chức, cá nhân thông báo/đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn TP. Hiện, doanh thu bán lẻ của Hà Nội trong giao dịch trực tuyến là hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm 6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; bình quân tăng trưởng 15% so với các năm trước.
“Phát triển TMĐT của Hà Nội trong thời gian qua được quan tâm nhiều, tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, biện pháp để cải thiện các chỉ tiêu trong chỉ số, nâng mức doanh thu bán lẻ trong kinh doanh trực tiếp lên khoảng 80%” – bà Trần Thị Phương Lan nói.