Có lại “bình cũ, rượu mới”?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT lại vừa gây chú ý với thông tin, sắp tới sẽ có khoảng 170.000 xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera giám sát nhằm giám sát được tài xế có hành động gây mất ATGT, kiểm soát được tình trạng nhà xe nhồi nhét khách trên đường... Với việc mỗi xe phải lắp 2 camera thì tương đương 340.000 camera giám sát sẽ được sử dụng trong thời gian tới, một con số không hề nhỏ.

 Ảnh minh họa
Đặc biệt, quy định nêu rõ dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km. Hình ảnh camera trên xe phải được truyền với tần suất từ 15 - 20 lần/giờ (tương đương từ 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý nhà nước có thẩm quyền. Dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.
Mục đích của việc yêu cầu xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera giám sát là rất thuyết phục. Câu chuyện tốn kém không đáng được mang ra xem xét ở đây nếu như việc lắp đặt camera giám sát mang lại hiệu quả đúng như kỳ vọng. Nhưng còn nhớ cách đây chưa lâu, để phục vụ công tác quản lý, từ 1/7/2018, Bộ GTVT đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình - GPS cho hơn 1 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải. Thiết bị được xem như là "hộp đen" giám sát toàn bộ hoạt động của xe trên đường. Vào thời điểm đó, những chiếc “hộp đen” cũng được nói đến như một thiết bị có công năng vô cùng lớn trong việc hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc giám sát hoạt động của các phương tiện. Tuy nhiên, không lâu sau khi hoàn thành việc lắp đặt “hộp đen” cho hơn 1 triệu ô tô kinh doanh vận tải, sự thật không được như mục tiêu đề ra.
Tại hầu hết các Sở GTVT trên cả nước (đơn vị được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ theo dõi GPS) hệ thống GPS được trang bị, kết nối hầu như “tê liệt” hoặc chỉ ở dạng kho dữ liệu hậu kiểm. Trong bản báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu “hộp đen” tháng 5/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, còn tới hơn 30% phương tiện chưa truyền dữ liệu từ “hộp đen” về hệ thống của cơ quan này theo quy định. Câu chuyện được đẩy lên cao trào hơn khi đại diện Cục GSGT – Bộ Công an thẳng thắn đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần công khai và chia sẻ dữ liệu GPS cho cơ quan công an. Theo Cục CSGT, tất cả các hành vi của các tài xế trong các vụ tai nạn giao thông đều được thiết bị GPS giám sát và báo về các trung tâm quản lý. Nếu những thông tin này được khai thác có hiệu quả thì có thể hạn chế, ngăn chặn được những vụ tai nạn thương tâm.
Trên thực tế, câu chuyện Bộ GTVT đưa ra quy định bắt buộc hơn 170.000 xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera giám sát (mỗi phương tiện 2 camera) đã rộ lên từ lúc cơ quan này đang là đơn vị chủ trì biên soạn dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 10/2020/NĐ-CP vừa được ký ban hành. Vào thời điểm đó, dư luận và giới chuyên gia cũng lên tiếng phản ứng đồng thời đề nghị xem xét lại thật kỹ tính hiệu quả để tránh lãng phí. Bởi theo tính toán, nếu lắp đặt toàn bộ 340.000 camera cho 170.000 xe thì tổng chi phí lên tới khoảng 1.500 - 1.900 tỷ đồng. Đương nhiên, nếu việc lắp đặt này mang tới hiệu quả thì không có gì để nói. Nhưng nếu vẫn là câu chuyện “bình mới rượu cũ” như “tiền thân” của nó là hơn 1 triệu “hộp đen” thì sự xuất hiện của hàng trăm ngàn camera giám sát là vô cũng lãng phí và vô nghĩa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần