Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có làm giảm tính răn đe?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì tiến hành, xây dựng sửa đổi Bộ Luật Hình sự (BLHS)...

Kinhtedothi - Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì tiến hành, xây dựng sửa đổi Bộ Luật Hình sự (BLHS) để trình Chính phủ vào quý IV/2014 theo hướng giảm bớt các tội áp dụng hình phạt tử hình, thay vào đó, có thể bổ sung mức án chung thân không giảm án (chung thân vĩnh viễn) để vẫn đảm bảo tính răn đe. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hòa - Phó phòng Pháp luật Hình sự (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) để làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa bà, trong lần sửa đổi này có một số định hướng rất đáng chú ý, đó là tiếp tục giảm bớt các tội áp dụng hình phạt tử hình. Xin bà cho biết cụ thể hơn về định hướng này? 

- Chủ trương hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là chính sách nhất quán của Nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách về hình phạt tử hình từ năm 1985 đến nay. Gần đây nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 đã giảm số lượng điều luật quy định hình phạt tử hình từ 29 xuống còn 22 điều. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, tỷ lệ trên 8% các điều luật về tội phạm cụ thể có quy định hình phạt tử hình là vẫn còn khá cao.
Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình trong vụ án tham nhũng tại Vinalines.
Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình trong vụ án tham nhũng tại Vinalines.
 
Đặc biệt, trong bối cảnh Hiến pháp mới năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận quyền sống của con người và xem việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người như một mục tiêu hàng đầu thì việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là yêu cầu cấp thiết của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự gắn với việc bảo đảm các quyền con người, nhân đạo hóa các biện pháp trừng trị. Bên cạnh đó, để tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, việc áp dụng hình phạt tử hình cũng cần được cân nhắc trong xu thế chung của thế giới. Hiện nay, 97 quốc gia đã bãi bỏ hoàn toàn án tử hình, 8 quốc gia chỉ áp dụng đối với tội phạm chống hòa bình, 35 quốc gia có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng.

Việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cụ thể có làm giảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm không, thưa bà? 

- Hiện nay, có nhiều quan điểm, lập luận trái chiều về tính răn đe của hình phạt tử hình. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào đưa ra được chứng cứ thuyết phục chứng minh rằng việc loại bỏ hình phạt tử hình sẽ làm gia tăng tội phạm, hoặc việc áp dụng hình phạt tử hình làm giảm số lượng tội phạm. Kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLHS cho thấy, những năm gần đây, một số loại tội có quy định hình phạt tử hình có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp như tội giết người, tội sản xuất, buôn bán chất ma tuý (đầu năm 2014, Tòa án tỉnh Quảng Ninh đã tuyên đến 30 án tử hình đối với một đường dây buôn bán ma tuý). Như vậy, không thể nói, việc duy trì hình phạt tử hình đối với tội giết người và một số tội phạm ma tuý như hiện nay là có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm. 

Vậy hiện tại, những tội nào được đề xuất bỏ áp dụng hình phạt tử hình, tội nào vẫn giữ hình phạt tử hình?

- Định hướng sửa đổi, bổ sung BLHS đặt ra yêu cầu thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 48/NQ-TW. Đó là, chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít trường hợp phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc bỏ hay giữ hình phạt tử hình đối với tội phạm cụ thể nào, hiện nay đang được xem xét cẩn trọng. Việc giữ hay bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm cụ thể cần phải dựa vào một số tiêu chí như tính chất quan trọng của khách thể bị xâm hại, tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân của người phạm tội, khả năng trừng trị tội phạm bằng hình phạt khác. 

Việc loại trừ hình phạt tử hình có thể đặt ra đối với một số tội phạm cụ thể như sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch; cướp tài sản; nhận hối lộ; tham ô tài sản; hiếp dâm trẻ em.

Nếu bỏ hình phạt tử hình, chúng ta có hình phạt khác để vẫn đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật không, thưa bà? 

- Cùng với việc xem xét bỏ hình phạt tử hình đối với một loại tội phạm cụ thể cần phải tính đến việc áp dụng loại hình phạt thay thế để bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Trong trường hợp bỏ hình phạt tử hình, theo hệ thống hình phạt hiện hành, chúng ta có thể áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người phạm tội, hoặc nghiên cứu để bổ sung hình phạt tù chung thân không giảm án như đề xuất của một số chuyên gia. Đối với tội phạm trong lĩnh vực kinh tế hay tham nhũng, việc xử phạt tù chung thân hoặc hình phạt tù có thời hạn thật nghiêm khắc kết hợp với cơ chế tịch thu tài sản hiệu quả cũng như các biện pháp khác là đủ để trấn áp tội phạm.

Xin cảm ơn bà!