Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên chuyển chức năng tuyển dụng cho ngành giáo dục?

Nhi Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc thừa – thiếu giáo viên (GV) cục bộ tại nhiều địa phương cũng như những bất cập trong tuyển dụng, nhiều ý kiến cho rằng, cần giao lại chức năng tuyển dụng viên chức giáo dục cho ngành GD&ĐT.

Còn nhớ năm 2015, ngay trước thềm năm học mới, 214 GV ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị chấm dứt hợp đồng lao động; 184 GV mầm non ở Sóc Sơn (Hà Nội) cũng lâm vào cảnh tương tự. Câu chuyện này tái diễn vào năm 2016 khi gần 1.000 GV, nhân viên nhà trường ở 2 huyện Vĩnh Lộc và Yên Định (Thanh Hóa) bỗng dưng bị chấm dứt hợp đồng, rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Gần đây nhất, sự việc 500 GV hợp đồng huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ mất việc một lần nữa khiến hàng nghìn GV khác tiếp tục bất an. 
 Hàng trăm giáo viên bức xúc tụ tập tại trụ sở UBND huyện Krông Păk. Ảnh: Internet.
Nguyên nhân của tình trạng trên thường được các lãnh đạo đưa ra là do sĩ số học sinh giảm, không có vị trí việc làm, không có chỉ tiêu tuyển dụng... Nhưng có một nguyên nhân mà ít đơn vị nào dám nhận trách nhiệm, đó là do người đứng đầu các đơn vị tuyển dụng ký tuyển dư thừa hợp đồng. Việc này, tiếp tục lộ ra những bất cập, trong đó có việc giao việc tuyển dụng GV cho Phòng Nội vụ.

Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phân tích rõ bất cập này. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2010/NĐ- CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó quy định rõ ở cấp huyện, phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm tham mưu việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển, giáng chức… viên chức giáo dục.
Tuy nhiên, Chính phủ lại có Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, trong đó quy định Phòng Nội vụ tham mưu, giúp UBND huyện việc cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Chính sự “lệch pha” này mà ở cấp huyện, nhiều nơi Chủ tịch huyện giao việc tuyển dụng viên chức giáo dục cho Phòng Nội vụ, trong khi đơn vị này không thể nắm cụ thể thiếu ở những môn gì, dẫn hiện tượng thừa – thiếu cục bộ.

Từ những câu chuyện buồn trên, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nên đưa việc tuyển dụng viên chức giáo dục ở cấp cơ sở về một mối và cần trao quyền chủ động về mặt nhân sự cho ngành giáo dục. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định: Việt Nam đang tồn tại một thực tế bất hợp lý trong tuyển dụng.
Trong khi ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, nhưng lại không được trao quyền tuyển những người tài vào ngành. Từ thực tế trên, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, cần xác định lại việc phân cấp quản lý hoặc để ngành giáo dục chịu trách nhiệm cả đầu vào và phân bổ nguồn nhân lực sư phạm cho các cơ sở giáo dục của mình. Nếu để xảy ra tình trạng thừa - thiếu GV, cần xử lý thật nặng người đứng đầu, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Cùng chung mối băn khoăn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị, ngành giáo dục cần được tham gia trực tiếp trong khâu tuyển dụng giáo viên. Đặc biệt, cần đề cao vai trò của hiệu trưởng bởi họ là người trực tiếp sử dụng lao động, vì vậy họ phải nắm chắc về đặc điểm, trình độ GV sẽ giảng dạy tại trường mình quản lý.