Thực tế trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra khi trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (21/8). Đây được xem là một trong những dẫn chứng cụ thể để giải thích vì sao nợ xấu ngân hàng hiện có những con số khác nhau.
Cụ thể, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng; trong khi theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.
Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.
Như giải thích của lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, cũng như trong báo cáo chuẩn bị cho phiên chất vấn của Thống đốc, có những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những con số khác nhau nói trên. Đặc biệt là có nguyên nhân từ sự chủ động của tổ chức tín dụng trong việc giấu nợ xấu để tránh trích lập dự phòng, để giảm bớt áp lực lợi nhuận…
Trong phần trả lời, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn ví dụ cụ thể từ các trường hợp thuộc diện phải tái cơ cấu.
Hiện có 9 tổ chức tín dụng phải thực hiện tái cơ cấu và Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra tổng thể. Đáng chú ý là theo báo cáo của các tổ chức tín dụng này thì không có trường hợp nào có nợ xấu vượt quá 2,5%; thậm chí cả 9 đều báo cáo có lãi. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra trực tiếp thì có tổ chức tín dụng có nợ xấu lên đến trên 30%, đặc biệt có tổ chức tín dụng lên tới 60%, thậm chí không phải là có lãi nữa mà mất hết cả vốn tự có lẫn vốn điều lệ.
Theo đó, Thống đốc Bình nói rằng Ngân hàng Nhà nước không thể chỉ căn cứ vào báo cáo của các tổ chức tín dụng để điều hành, mà phải trực tiếp thông qua giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ để đánh giá thực chất nợ xấu của hệ thống. Và con số 8,6% tỷ lệ nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là đáng tin cậy hơn.