Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có phải là cách bảo tồn hợp lý?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội đã khép màn với một dấu ấn rõ nét đọng lại: Liên hoan ở Thủ đô, nhưng có tác động khắp cả nước.

Đấy là tín hiệu mừng, một thuận lợi đối với việc kiểm kê, lập hồ sơ di sản cho chầu văn. Song, việc quan trọng còn nằm ở câu hỏi: Bảo tồn nghi lễ chầu văn như thế nào?

 

Nhốn nháo thanh đồng

 

Trong cuộc bàn tròn "Bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn trong đời sống đương đại" (chiều 5/10), không chỉ các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa mà ngay cả các thanh đồng, chủ điện cũng "than phiền" về tình trạng bát nháo của các ông đồng, bà đồng hiện nay. GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: Ở Hà Nội (khi chưa mở rộng địa giới hành chính), đã có 83 ngôi đền, phủ thờ Mẫu, ngoài ra còn có nhiều điện thờ ở tư gia, các điện thờ Mẫu ở hầu hết các ngôi chùa ở Hà Nội theo mô thức "Tiền Phật, hậu Mẫu". Nếu tính gộp tất cả các đền, phủ, điện, thì nơi thờ Mẫu (cũng là nơi có thể diễn ra nghi lễ chầu văn) lên tới hàng trăm, và mỗi một "địa chỉ" ấy lại có một ông (bà) đồng chủ trì. Ở các TP lớn như Huế, TP Hồ Chí Minh cũng tương tự.

 
Tiết mục trình diễn trong Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội 2013.
Tiết mục trình diễn trong Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội 2013.

Điều đáng nói là trong môi trường xã hội hiện nay, ngoài những thanh đồng đúng nghĩa (vẫn gọi là do căn số), lại xuất hiện nhiều loại "đồng đua" (còn gọi là "đồng đú") có tiền và có nhu cầu thể hiện. Thậm chí nhiều người còn coi nghi lễ chầu văn là một thú ăn chơi, khoe của và thông qua hoạt động này để trục lợi làm giàu. Cũng vì thế mà nghi lễ chầu văn ở đô thị dần có những khác biệt so với nguyên bản và so với vùng nông thôn. Ây là những biến tấu trong cách trang trí đền, phủ, trang phục, đồ dâng cúng, cung cách thực hiện nghi lễ… Không những thế xuất hiện cả hình thức "thời trang" của lễ phục, đồ dâng cúng, âm nhạc và hát chầu văn…

 

Ai cũng thừa nhận, bức xúc của đời sống đô thị hiện đại đã làm "bùng phát" các giá hầu đồng để giải quyết vấn đề tâm linh và dồn nén của con người. Song, nếu không được định hướng, không được quản lý, tình trạng bát nháo thanh đồng sẽ ảnh hưởng đến tính chân thật, tính tâm linh của nghi lễ chầu văn. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc gìn giữ, bảo tồn nghi thức này trong cộng đồng.

 

Bảo tồn theo cách nào?

 

Đây là câu hỏi quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi nhà quản lý văn hóa Hà Nội đang tìm hướng phù hợp để quản lý nghi lễ chầu văn; các nhà nghiên cứu xoay xở tìm hướng bảo tồn, tiến tới lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận nghi lễ chầu văn là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Phải ghi nhận, khoảng một thập niên, đặc biệt là 3 - 4 năm trở lại đây, giới làm nghệ thuật đã không ít lần đưa nghi thức chầu văn lên sân khấu như một tiết mục nghệ thuật. Điển hình là vở chèo "3 giá đồng" của Nhà hát Chèo Hà Nội; vở kịch hình thể "Tâm linh Việt" của NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ). Rồi nghệ sĩ piano Phó An My còn bạo dạn để tiếng dương cầm hòa nhịp với âm nhạc của chầu văn… Đây là những thử nghiệm đáng ghi nhận, song dường như khi sân khấu hóa như vậy, tính tâm linh của nghi lễ chầu văn không còn vẹn nguyên. GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: "Nếu tách tín ngưỡng ra khỏi nghệ thuật thì yếu tố tâm linh bị mất đi. Mà đây chính là yếu tố tạo nên sự thăng hoa của loại hình chầu văn. Vậy thì có nên sân khấu hóa để nghệ thuật tách ra khỏi tín ngưỡng hay không?".

 

Tuy nhiên, đúng như TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam), phân tích: "Nghi lễ chầu văn là một di sản của châu Á cần được bảo vệ, ở đây hội đủ 5 yếu tố cần có của một di sản thế giới. Song đừng nghĩ rằng Nhà nước có thể quản lý được tất cả các loại hình, hãy để di sản được phát triển tự nhiên như nó vốn có. Cộng đồng nào có sáng tạo cho loại hình, cần ủng hộ sau khi thẩm định một cách cẩn thận. Ta hãy nhìn cách làm của các quốc gia trên thế giới để làm. Sẽ không tìm được một quy trình bảo tồn thống nhất cho chầu văn, quan trọng là tôn trọng sự sáng tạo và định hướng cho cộng đồng. Đây là cách bảo vệ di sản tốt nhất mà không bị các yếu tố khác tác động".