Cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội vừa có kết luận chính thức đợt giám sát về tình hình, kết quả hoạt động của DN Nhà nước sau sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) trên địa bàn.

Qua giám sát tại một số đơn vị, Ban nhận định, tại hầu hết các DN sau CPH hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có bước phát triển tốt hơn. Doanh thu, lợi nhuận ròng tăng, hoạt động hiệu quả hơn như Công ty CP Nhựa Hà Nội, Công ty CP Cấp nước Sơn Tây, Công ty CP Đường bộ I Hà Tây, Công ty CP Cơ điện Trần Phú... Ý thức của người lao động tốt hơn, thu nhập của người lao động được nâng lên, đảm bảo được ổn định xã hội, có đơn vị đổi mới công tác quản trị, đổi mới công nghệ, năng động, chủ động hơn. Vai trò của người đại diện vốn chủ sở hữu được xác định rõ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty sau khi CPH.
 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác CPH như: Thời gian thực hiện CPH (từ khi phê duyệt phương án đến khi hoàn thành đăng ký DN - công ty cổ phần) thường kéo dài và chậm. Việc thu tiền từ CPH về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN chậm, tỷ lệ số còn phải thu cao, đặc biệt là với các DN do UBND TP là cấp trên trực tiếp. Còn một số đơn vị thua lỗ kéo dài, mất vốn Nhà nước, có nhiều tồn tại về tài chính thuộc đối tượng giám sát đặc biệt và chưa hoàn thành được việc sắp xếp, CPH theo kế hoạch. Một số DN vướng mắc, khó khăn trong CPH trong nhiều năm chậm được giải quyết (như Công ty Đầu tư xây dựng số 2, Công ty TNHH MTV Haprosimex...). Còn tình trạng “bình mới rượu cũ” trong hoạt động, điều hành của các DN như: Mô hình quản trị không có sự thay đổi, không có chiến lược kinh doanh cụ thể, một số đơn vị vẫn trông chờ sự chỉ đạo, đặt hàng của Nhà nước…
Từ kết quả giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế là do khối lượng DN phải sắp xếp, CPH thuộc TP nhiều, phức tạp. Sau chuyển đổi CPH chưa có mô hình quản lý cụ thể, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Nhưng ngoài ra còn do sự thiếu quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo quản lý các DN, vẫn còn tâm tư, tâm lý chưa mong muốn CPH, dẫn đến kết quả chưa được như mong muốn...
Để khắc phục những khó khăn và đẩy mạnh thực hiện chủ trương CPH DN Nhà nước, Ban Kinh tế Ngân sách đã có kiến nghị đối với UBND TP cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch CPH DN Nhà nước thuộc TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Kế hoạch thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được UBND TP ban hành. Trong đó kiên quyết thực hiện việc tái cơ cấu DN Nhà nước, thoái vốn, bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Tiếp tục tăng cường tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CPH, nâng cao chất lượng phương án CPH. Cần xem xét lựa chọn phương án và thời điểm tiến hành CPH đảm bảo hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, chỉ đạo các ngành tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, DN trong đôn đốc, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể từng năm từ nay đến năm 2020 thực hiện CPH và thoái vốn các DN Nhà nước theo phương án đã được duyệt...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần