Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Khẩn trương rà soát, không để chậm hơn nữa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù vượt kế hoạch về số lượng, giá trị cổ phần Nhà nước bán được đạt ở mức khá cao, tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn chậm so với kế hoạch đề ra.

Vì thế, Bộ Tài chính lưu ý các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý để lập phương án sử dụng đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN cổ phần hóa theo đúng quy định.

DNNN chưa quan tâm công tác cổ phần hóa

Theo thống kê của Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 11/2020, đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Về tình hình thoái vốn, trong 11 tháng năm 2020, cả nước đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 11/2020 đạt 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng.
 Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Dù vượt kế hoạch về số lượng, giá trị cổ phần nhà nước bán được đạt 11%, nhiều hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 (8%) nhưng theo đại diện Bộ Tài chính, quá trình cổ phần hóa DNNN vẫn chậm so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đề ra. Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa DNNN và thoái vốn Nhà nước tại một số DN chưa được quan tâm nghiêm túc, dẫn đến khó khăn trong hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn tại DN…
Đa số các tập đoàn, tổng công ty, DN không chủ động triển khai các chính sách của Nhà nước, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất, do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cổ phần hóa. Ngoài ra, một số DN không muốn thoái vốn ở những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất lợi nhuận cao làm cho tiến độ thoái vốn càng chậm...

Rà soát toàn bộ quỹ đất DNNN đang quản lý, sử dụng

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, khó khăn lớn nhất trong công tác cổ phần hóa DN là về đất đai. Việc tổ chức thực hiện sắp xếp nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của các DN kéo dài… Do đó, cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất mà DN cổ phần hóa phải lập theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về cổ phần hóa.

Nhằm đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trong tháng cuối năm 2020 và năm 2021 cũng như nâng cao hiệu quả cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Ngành tài chính sẽ tiếp tục tham mưu các cấp hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về tổ chức, quản lý và hoạt động của DNNN về sắp xếp việc cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường.

Về những giải pháp cụ thể, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có đề xuất, kiến nghị gửi tới Chính phủ. Trong đó lưu ý, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN cổ phần hóa theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DN thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị DN, xử lý tài chính, công bố giá trị DN trong năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần