Theo Quyết định 707/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” thì việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước phải đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng vốn cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên với thực trạng cổ phần hóa và thoái vốn hiện nay còn chậm, cũng như gặp nhiều vướng mắc, để đạt được mục tiêu trên là rất khó khăn.
Tiến độ chậm
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước nửa đầu năm không mấy khả quan với con số các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.466 tỷ đồng và thu về 14.842 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thu về này phần lớn nhờ việc bán vốn tại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), đã thực hiện từ cuối năm ngoái với tổng vốn hơn 11.200 tỷ đồng.
Nếu việc thoái vốn tại nhiều tập đoàn tổng công ty lớn như Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công Ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Vinamilk… được thực hiện theo kế hoạch thì số tiền thu về từ thoái vốn sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên phương án thoái vốn của các đơn vị này hiện vẫn chưa được “chốt”.
Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thì việc tiếp tục thoái vốn nhà nước tại Vinamilk vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hay tại Habeco và Sabeco, mặc dù đã tiến hành cổ phần hóa nhưng hiện Nhà nước vẫn nắm lượng lớn cổ phần. Từ năm 2016, Bộ Công Thương đã xây dựng lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp; trong đó Habeco sẽ thoái toàn bộ 81,79% vốn thuộc sở hữu Nhà nước trong năm 2016; Sabeco sẽ chia ra làm hai đợt bán 89,59% vốn Nhà nước trong năm 2017.
Tuy nhiên đến nay, việc thoái vốn của Habeco và Sabeco vẫn đang gặp nhiều khó khăn, mặc dù Bộ Công Thương đã thành lập cả Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc. Đến nay, dù hai doanh nghiệp đã lên sàn nhưng các đơn vị mới đang xây dựng đề án thoái vốn để trình Chính phủ trước ngày 31/7/2017 và dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2017.
Tiến độ thoái vốn chậm chạp của hai “ông lớn” này khiến "Bộ Tài chính rất sốt ruột. Nếu việc thoái vốn Habeco, Sabeco thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tài chính thì tiến độ sẽ khác. Nhưng Bộ Tài chính chỉ đốc thúc còn Bộ, ngành không hợp tác thì chịu thua,” ông Tiến cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Vụ trưởng Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Bộ Công Thương), Bộ này luôn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhưng quá trình thực hiện gặp một số khó khăn liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt bà Nguyễn Thị Hoa cho rằng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ phần lớn đều có tài sản lớn, địa bàn rộng, các dự án đầu tư dở dang, dẫn đến thời gian xác định giá trị doanh nghiệp kéo dài làm ảnh hưởng đến các tiến độ thực hiện nên yêu cầu phải có sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương.
Ngoài thoái vốn thì cổ phần hóa cũng đang tiến hành rất chậm khi chỉ tiến hành được 19 doanh nghiệp trong nửa đầu năm. Dù các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)... đã tích cực đẩy nhanh tiến độ, nhưng so với yêu cầu giai đoạn 2017-2020 phải cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước thì việc thực hiện còn chậm, chưa đạt kế hoạch.
Lý giải về nguyên nhân chậm trễ này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết đối tượng cổ phần hóa trong giai đoạn này chủ yếu là những doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực nên cũng cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.
Đặc biệt, một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt. “Những doanh nghiệp tới đây cổ phần hóa đều rất lớn khi sắp xếp lại chắc chắn có vấn đề trách nhiệm, do đó, nhiều lãnh đạo có tư tưởng né cổ phần hóa", ông Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn chậm. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cũng chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết.
Sợ công bố thông tin
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ công khai danh sách 730 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Đây là lần thứ hai tên của các doanh nghiệp chậm lên sàn sẽ bị đưa công khai (lần đầu là cuối tháng 4 với 528 doanh nghiệp), được coi là một trong những biện pháp đối với các doanh nghiệp chưa đưa cổ phiếu lên sàn công khai hoạt động kinh doanh của mình.
Trong số 730 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký niêm yết mà Bộ Tài chính thống kê, chủ yếu là doanh nghiệp thuộc địa phương và các bộ như Tổng Công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp; Công ty cổ phần Dụng cụ số 1; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai; Công ty cổ phần Khóa Minh Khai; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp kinh doanh thiết bị Hà Nội…
Theo ông Đặng Quyết Tiến, thực tế có những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa tới 3 năm mà vẫn chưa chịu đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, cũng như gây bức xúc cho các cổ đông.
Một số doanh nghiệp báo cáo về Bộ Tài chính cũng cho rằng nguyên nhân khiến việc lên sàn chậm là do doanh nghiệp chưa đủ điều kiện đăng ký như vốn dưới 10 tỷ đồng hoặc không đủ 100 cổ đông...
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp thì mấu chốt nhất của vấn đề này là việc duy trì điều lệ của thị trường khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sợ khi lên sàn. Bởi khi lên sàn tất cả những biến động doanh nghiêp đều phải công khai, công bố báo cáo định kì về tình hình sản xuất kinh doanh, báo cáo quản trị doanh nghiệp… để nhà đầu tư biết.
“Đây chính là những điều doanh nghiệp sợ nhất”, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính cho biết, kể cả các doanh nghiệp yếu kém về quản trị doanh nghiệp thì cũng phải niêm yết. Niêm yết để tạo ra sự minh bạch, để thoái vốn Nhà nước. Việc né tránh không niêm yết là không minh bạch, muốn có lợi ích riêng sẽ dẫn đến những tiêu cực như tham nhũng.
Ông Tiến cho hay sau khi Bộ Tài chính công khai danh sách 730 doanh nghiệp này thì thanh tra Ủy ban chứng khoán sẽ thanh tra, kiểm tra và xử phạt nếu phát hiện sai phạm. Mức phạt tiền cao nhất là trên 500 triệu đồng đối với việc chây ỳ lên sàn chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã liên tục có công văn nhắc nhở doanh nghiệp cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện rất thấp. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa phạt ngay mà muốn doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để công bố thông tin, về quản trị công ty và chọn thời điểm để lên sàn thích hợp nhất.