KTĐT - Nhà đầu tư sẽ không tìm thấy các thông tin nổi bật được công bố chính thức, có khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Cùng với đà tăng giá rất mạnh của cổ phiếu, nhiều thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát (những người có thông tin nội bộ nhiều nhất) công bố bán cổ phiếu.
Thông tin tích cực chính thức được công bố cũng là lúc giá cổ phiếu đang tụt dốc hoặc ngừng tăng. Thế nhưng, khi những thông tin không chính thức được lan truyền thì giá cổ phiếu tăng ầm ầm.
Bất chấp tình hình thị trường khá ảm đạm, một số loại penny vẫn tăng giá với tốc độ chóng mặt. Chẳng hạn từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7, AMV tăng 16 phiên (từ 16.000 lên 37.600 đồng một cổ phiếu), CTC tăng 16 phiên (từ 14.600 lên 32.000 đồng), HTV cũng tăng 16 phiên (từ 17.400 lên 28.600)…
Trong thời gian này, nhà đầu tư sẽ không tìm thấy các thông tin nổi bật được công bố chính thức, có khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Cùng với đà tăng giá rất mạnh của cổ phiếu, nhiều thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát (những người có thông tin nội bộ nhiều nhất) công bố bán cổ phiếu. Với HTV, Giám đốc, Kế toán trưởng cùng công bố bán, kèm theo công ty bán 664. 000 cổ phiếu quỹ. Tương tự, CTC cũng có hàng loạt thành viên hội đồng quản trị (gồm cả Chủ tịch), ban kiểm soát và người thân công bố bán cổ phiếu.
Theo giải trình của các công ty này, việc cổ phiếu tăng trần liên tục trong nhiều phiên đều do kỳ vọng của nhà đầu tư và nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Thực tế kết quả hoạt động chưa có các thông tin gây đột biến.
Còn nhiều nhà đầu tư cũng như các chuyên gia chứng khoán đều khẳng định, các cổ phiếu này bị “đội lái” (các nhà đầu tư lớn chuyên làm giá) tác động, với những thông tin không chính thức nhưng có thể gây sốc. Anh Dũng – một nhà đầu tư lớn tại Hà Nội, khẳng định: “Nếu không có các thông tin riêng, có khả năng gây đột biến thì 'đội lái' cũng không dám làm giá”.
Đại gia chứng khoán khác cũng ở Hà Nội tiết lộ, một cổ phiếu tăng giá 16 phiên liên tục là do có thông tin đẩy ra từ nhóm “đội lái” lớn về việc đơn vị này đã ký được một hợp đồng lớn có khả năng tạo lợi nhuận đột biến trong những tháng tới. Ngoài ra, một số cổ phiếu khác là do tin về dự án bất động sản sắp bán để hiện thực hóa lợi nhuận.
Tất cả các thông tin này đều là tin “vỉa hè” được rò rỉ từ công ty niêm yết hoặc do môi giới tung ra nhằm kích thích các nhà đầu tư khác nhảy vào gom hàng. Sau khi giá được đẩy lên cao thì một đợt xả hàng sẽ diễn ra.
Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán cỡ vừa khẳng định, các cổ phiếu bị làm giá đều được đẩy bằng các thông tin kiểu rỉ tai hoặc được “bơm vá” qua các diễn đàn. Nguồn phát các tin “vỉa hè” này chủ yếu từ nhóm môi giới và “đội lái” hợp sức cùng làm giá cổ phiếu. “Điều đáng nói là các thông tin 'vỉa hè' này cũng có những yếu tố xác thực nên tạo tâm lý hoài nghi, kiểu nếu không tham gia thì lỡ cơ hội”, chuyên gia này nhận xét.
Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo, chơi theo các “lái tàu” khả năng rủi ro là rất cao. Giá chỉ tăng khi chưa có thông tin chính thức, còn khi tin thật được công bố thì giá thường giảm bởi các yếu tố tích cực thường không lớn như được đồn đại kiểu “vỉa hè” từ trước đó. "Có nhiều trường hợp giá giảm trước khi các tin thật được công bố bởi 'đội lái' thấy động nên xả hàng", ông này tiết lộ.