Tăng mạnh trên 25%
Trong thời gian này, nhóm CP ngân hàng vẫn nhận được sự quan tâm nhất định và là trụ đỡ cho thị trường. Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội. Thị giá từ 6.900 đồng/CP (phiên 21/2) lên 9.600 đồng/CP (phiên 28/2), tương ứng tăng gần 40%. Từ đầu năm 2020, giá CP này còn chớm trên 6.000 đồng/CP, bắt đầu nổi sóng lên gần 8.000 đồng rồi điều chỉnh. So với 2 tháng đầu năm nay, SHB đã tăng mạnh đến 79,51%.
CP của VPBank cũng tăng vọt 36%, tốc độ tăng trưởng cao chỉ xếp sau SHB. Từ mức thấp nhất của năm ngoái (18.900 đồng/CP), trong vòng chưa đầy 2 tháng đã tăng lên thành 27.200 đồng/CP, trước khi có điều chỉnh trong vùng 27.000 - 28.000 đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên thị trường cơ sở và dự kiến sẽ còn tiếp tục xu hướng rút ròng này do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, việc đi vào vận hành hai quỹ ETF mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các cổ phiếu đã full room ngoại, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Nguyễn Thế Minh |
Một hiện tượng ngược dòng nữa đáng chú ý ở giá CP của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB) trên HoSE. Dù có xen kẽ những quãng điều chỉnh, nhưng STB đã có một quá trình tăng giá ấn tượng trong hơn 2 tháng qua. Từ từng chớm xuống dưới mệnh giá, CP này đã có cú bật lên hơn 12.600 đồng/CP, tức tăng khoảng 25% kể từ đầu năm mà tập trung khoảng một tháng gần đây.
Một trường hợp khác là CP của Ngân hàng Vietinbank (mã CK: CTG) đã bứt phá 30% trong thời gian ngắn ngay sau Tết Canh Tý. CP các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, ACB, Techcombank, Sacombank, MBBank, HDBank đều ghi nhận mức tăng trưởng ít nhiều.
Kỳ vọng lợi nhuận và hoạt động M&A
Trong 2 tháng đầu năm, ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi 2 thông tin quan trọng. Đầu tiên là sóng CP ngân hàng vào dịp trước Tết Nguyên đán với lợi nhuận báo cáo hầu như ngân hàng nào cũng rất cao. Ngoài ra, trong kế hoạch kinh doanh năm nay, các ngân hàng cũng đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận hai con số, các chỉ số tài chính hiện tại của CP ngân hàng như EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu), P/E (giá trên lợi nhuận), P/BV (giá trị trên sổ sách)... cho thấy khá hấp dẫn so với thị trường chung và so với các ngành nghề khác. Xét về hoạt động kinh doanh, các báo cáo kết quả gần đây đều ghi nhận sự cải thiện nên thị giá của các ngân hàng như Sacombank, ACB hay HDBank cũng được hưởng lợi theo.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, trong 2 tháng đầu năm, ngành tài chính vẫn tăng trưởng 3,1%, Tuy nhiên diễn biến của tình hình dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với ngành ngân hàng. "Song triển vọng của ngành ngân hàng năm 2020 nói chung vẫn là tích cực" - báo cáo của SSI nhận định.
Bên cạnh đó, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) Lê Đức Khánh cho rằng, những thông tin đồn đoán về hoạt động mua bán, sáp nhập DN (M&A) dường như cũng mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tăng lên trong thời gian gần đây. Đơn cử như vào đầu năm đã có thông tin Vietinbank được giữ lại lợi nhuận năm 2017 và 2018 để tăng vốn. Dù theo đại diện của ngân hàng thì khoản tiền này chưa đáp ứng đủ, nhưng cũng gợi mở hướng ra cụ thể cho Viettinbank với chuyện tăng vốn, trong bối cảnh BIDV đã dang rộng vòng tay đón Keb Hana Bank. Hay như cổ phiếu VPB của VP Bank, từ cuối năm ngoái, thông tin thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của công ty con cho vay tiêu dùng FE Credit đã được phát ra, nhưng bắt đầu rộ lên trong khi Ngân hàng Nhà nước mới chấp nhận chuyển mô hình hoạt động từ công ty TNHH một thành viên thành mô hình công ty cổ phần, đồng thời chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 3 tỷ đồng.
Các chuyên gia đánh giá, nhờ có tỷ trọng lớn là nhóm CP ngân hàng nên khả năng thời gian tới thị trường vẫn sẽ hướng sự chú ý đến nhóm ngành này. Cũng cần thấy rằng khi kinh tế khủng hoảng thì ngành ngân hàng trở thành trọng điểm bơm vốn khôi phục kinh tế và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào ngành này nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải CP ngân hàng nào cũng tăng giá trong thời gian tới. Do đó, các nhà đầu tư nên lựa chọn CP ngân hàng chưa tăng giá mạnh, có dư địa tăng trưởng tín dụng cao và đặc biệt hoàn thành các chỉ tiêu sạch nợ xấu theo các tiêu chí của Basel II... Khi thị trường phục hồi, nhóm cổ phiếu này sẽ bứt phá mạnh.