Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu ngân hàng vào tầm ngắm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải các mã thị trường như FLC, DLG, CII, OGC, HAI, KLF..., mà cổ phiếu ngân hàng mới là nhóm lọt vào tầm ngắm của dòng tiền trong phiên giao dịch sáng nay 14/4.

Phiên tăng điểm theo kiểu “xanh vỏ, đỏ lòng” hôm qua tiếp tục được duy trì khi bước vào phiên giao dịch sáng nay và điều đó càng làm nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Trong phiên giao dịch sáng nay, không phải HQC, FLC và cũng chẳng phải HAI, mà CTG mới là cổ phiếu đáng chú ý nhất trên sàn về sự sôi động.
Biểu đồ giao dịch cổ phiếu ngân hàng
Biểu đồ giao dịch cổ phiếu ngân hàng
Cổ phiếu này đã bắt đầu tạo hiệu ứng trong phiên đầu tuần sau thông tin sẽ niêm yết toàn bộ lượng cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ lên sàn. Nếu vậy, vốn hóa của CTG trên thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh lên gấp gần 3 lần và vươn lên vị trí thứ 5 về giá trị vốn hóa trên sàn, vượt qua MSN và trở thành “Ngũ hổ tướng” có tiếng quyết định đến VN-Index.

Trong phiên sáng nay, CTG tiếp tục được kéo tăng ngay đầu phiên với thanh khoản vượt qua các mã có tính đầu cơ khác và qua đó cũng giúp VN-Index có được sắc xanh khi mở cửa phiên, dù số mã giảm giá vẫn nhiều hơn số mã tăng giá.

Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,27 điểm (+0,05%), lên 559,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3 triệu đơn vị, giá trị 42,55 tỷ đồng.

Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, đà tăng của thị trường chỉ được nới rộng thêm chút ít để chạm ngưỡng 560 điểm. Tuy nhiên, đúng như nhận định của một số chuyên gia trong chuyên mục bàn tròn cuối tuần của Đầu tư Chứng khoán, mốc 560 điểm hiện đang là trở ngại lớn đối với VN-Index. Hiện chỉ số này đang chịu rung lắc mạnh tại ngưỡng cản này.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường đang rất èo uột. Dường như lo sợ “tay to” sử dụng các mã trụ đẩy chỉ số lên để xả hàng, nên nhà đầu tư chỉ khư khư giữ tiền mặt khiến giao dịch chỉ diễn ra nhỏ giọt, bất chấp các thông tin kinh tế vĩ mô, cũng như thông tin vi mô từ doanh nghiệp.

CTD sáng nay tổ chức ĐHCĐ thường niên với việc HĐQT trình phương án chia cổ tức năm 2014 lên tới 50% thay vì 20% như trước, nhưng cổ phiếu này vẫn không mấy hút hàng, dù đang có xu hướng tăng lên.

Sau hơn 1 tiếng giao dịch, hiệu ứng CTG đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi chỉ còn duy trì mức tăng tối thiểu so với mức tăng 4 bước giá lúc đầu phiêu. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong hai cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE tính tới thời điểm này với hơn 1,1 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự sàn HOSE, HNX-Index cũng đang giao dịch giằng co quanh tham chiếu với thanh khoản nhỏ giọt. Sau hơn 1 tiếng giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn mới chỉ đạt 370 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau nửa thời gian đầu giằng co, lực mua tại các mã lớn một lần nữa gia tăng, giúp VN-Index vững vàng đi lên, vượt qua ngưỡng cản đầu tiên 560 điểm, bất chấp tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” vẫn diễn ra. Trong khi đó, HNX-Index đã không thể giữ được sắc xanh khi chốt phiên sáng.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 2,29 điểm (+0,41%), lên 561,83 điểm với 73 mã tăng và 106 mã giảm. Thanh khoản không mấy cải thiện khi chỉ có 34,38 triệu đơn vị, giá trị 625,4 tỷ đồng được giao dịch, trong đó thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 58,55 tỷ đồng.

HNX-Index lại giảm nhẹ 0,01%, đứng ở mức 82,65 điểm với 55 mã tăng, 94 mã giảm. HNX-Index giảm bất chấp nhận được sự hỗ trợ trở lại của nhóm HNX30 khi chỉ số này tăng 0,37%, lên 155,82 điểm. Trong khi đó, VN30 lại tăng nhẹ hơn VN-Index khi tăng 0,27%, lên 591,35 điểm. Thanh khoản trên HNX cũng rất khiêm tốn với 17,7 triệu đơn vị, giá trị 240,8 tỷ đồng.

Giống như phiên hôm qua, đà tăng của thị trường phiên sáng nay cũng chủ yếu dựa vào một số mã lớn. Cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD tiếp tục duy trì sắc xanh, bên cạnh đó còn phải kể đến MSN, VCB, CTG, BID, DPM, BVH, trong khi VIC đã đảo chiều giảm trở lại, trong khi VNM cũng chỉ dừng lại ở tham chiếu.

Trong nhóm này, MSN tiếp tục nhận được lực cầu ngoại khá tốt nên tăng tiếp 1,9%, lên 80.500 đồng, tương tự, GAS và PVD cũng đang được khối ngoại gom trở lại, giúp duy trì sắc xanh.

Trong nhóm ngân hàng, không chỉ CTG với thông tin sẽ niêm yết toàn bộ lượng cổ phiếu của Nhà nước và thông tin sáp nhập PGBank, mà BID cũng là cổ phiếu có thanh khoản tốt trên sàn HOSE, thậm chí vượt qua cả BID với 2,9 triệu đơn vị, đẩy CTG xuống vị trí thứ 2 với 2,28 triệu đơn vị. Thanh khoản của 2 đại gia ngân hàng này vượt qua các mã thị trường như FLC, DLG, HAI, GTN, CII, OGC…

Trên HNX, FIT vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 2,68 triệu đơn vị, trong khi KLF lại có giao dịch rất khiêm tốn khi chỉ được khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Thế chân KLF là “tân binh” KVC khi ngay trong ngày chào sàn, mã này đã tăng mạnh 22,5% và được khớp tới 1,14 triệu đơn vị, chỉ đứng sau FIT. Trong khi tân binh KVC tăng mạnh, thì mã cùng ngành ITQ  lại bị xả mạnh, chốt phiên sáng ở mức kịch sàn 18.000 đồng và còn dư bán giá sàn khá lớn./.