Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ quan quản lý và người dân chung tay ngăn chặn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bán hàng đa cấp được pháp luật cho phép, nhưng nghịch lý ở chỗ lại đang là nỗi nhức nhối của xã hội.

Cơ quan quản lý và người dân chung tay ngăn chặn - Ảnh 1Hàng loạt DN hoạt động trong lĩnh vực này như Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt), MB24, Cộng đồng Việt, Tâm Mặt Trời, Diamond Holiday… lần lượt bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, lãnh đạo các công ty đều bị khởi tố, gây ra nỗi đau “tiền mất, tật mang” cho hàng vạn hộ dân…  Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết, đến nay, trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu công ty tham gia hoạt động bán hàng đa cấp? Các DN này kinh doanh những mặt hàng gì?

- Tại TP Hà Nội, trước khi Nghị định 42/2014/NĐ-CP có hiệu lực đã có 16 DN bán hàng đa cấp bị rút Giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc tự xin chấm dứt hoạt động và sau khi Nghị định 42/2014/NĐ-CP có hiệu lực thì có 24 DN không đủ điều kiện hoạt động hoặc đã có đơn xin chấm dứt hoạt động.

Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đã xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương cho 54 DN hoạt động trên địa bàn Hà Nội sau khi đã được Cục Quản lý cạnh tranh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Các sản phẩm chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng gia dụng, hàng tiêu dùng, phân bón vi sinh…

Liên kết Việt không phải là công ty đầu tiên bị lực lượng chức năng phát hiện sai phạm trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp. Các DN bán hàng đa cấp bất chính thường có hành vi vi phạm thế nào, thưa ông?

- Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã điều tra, xác minh và xử lý nhiều DN vi phạm về kinh doanh theo mô hình đa cấp như Công ty MB24, Tâm Mặt Trời, Diamond Holiday, Công ty Liên kết Việt.

Trong năm 2015, Sở Công Thương Hà Nội đã tham gia Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bán hàng đa cấp do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chủ trì, kiểm tra 35 công ty hoạt động bán hàng đa cấp tại địa bàn Hà Nội (33 công ty có trụ sở chính và 2 công ty có chi nhánh tại Hà Nội). Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương Hà Nội đã kiểm tra, xử lý vi phạm 12 DN hoạt động bán hàng đa cấp với số tiền xử phạt 1.024.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm vào ngân sách Nhà nước 55.494.011 đồng. Thanh tra Sở Công Thương đã kiểm tra, xử lý vi phạm 3 DN hoạt động bán hàng đa cấp, số tiền xử phạt là 66,4 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan như Công an, Sở Y tế, Cục thuế và một số quận, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các DN bán hàng đa cấp theo chức năng, thẩm quyền.

Qua kiểm tra cho thấy, các vi phạm phổ biến như hoạt động khi chưa có xác nhận của Sở Công Thương địa phương; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa; tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp khi chưa có xác nhận của Sở Công Thương; duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp;…

Các hình thức vi phạm của DN, người tham gia bán hàng đa cấp rất đa dạng, tinh vi. Các DN, người tham gia thường tư vấn bằng miệng và tư vấn sai, mập mờ, không rõ ràng để người dân hiểu sai bản chất và tự nguyện thực hiện hoặc tư vấn cho chính người thân quen của mình, vì vậy gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong quá trình kiểm tra các công ty bán hàng đa cấp, lực lượng chức năng có gặp khó khăn gì không, thưa ông? Phải chăng các cơ quan tại địa phương phải chủ động phối hợp với nhau để tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người dân?

- Các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều trường hợp DN, người tham gia bán hàng đa cấp của DN cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, về các khoản lợi nhuận không có thực nhằm lôi kéo, dụ dỗ người tham gia bán hàng đa cấp; thổi phồng về công dụng của sản phẩm, biến tướng hoạt động bán hàng đa cấp theo hình thức lừa đảo đầu tư, huy động tài chính trả lãi theo đa cấp…

Các văn bản pháp luật liên quan đến bán hàng đa cấp như Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 và quy định tại Luật Cạnh tranh cho thấy hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện thông qua hệ thống người tham gia, hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của DN hoặc của người tham gia. Vì vậy, các cơ quan tại địa phương gặp khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát đối với nội dung giới thiệu, tư vấn miệng của vài trăm nghìn người tham gia bán hàng đa cấp có đúng quy định của pháp luật hay không.
Các buổi lễ do Liên kết Việt tổ chức luôn có sự tham gia của nhiều sĩ quan quân đội.
Các buổi lễ do Liên kết Việt tổ chức luôn có sự tham gia của nhiều sĩ quan quân đội.
Trong những năm qua, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về các dấu hiệu vi phạm của DN, người tham gia bán hàng đa cấp đến người dân thông qua báo chí tuyên truyền; tuy nhiên việc tuyên truyền sẽ có hiệu quả cao hơn nếu các địa phương phối hợp tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh xã, phường.

Nhằm hỗ trợ người dân không “dính bẫy” bán hàng đa cấp bất chính, với tư cách là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về bán hàng đa cấp trên địa bàn TP Hà Nội, ông có thể đưa ra các dấu hiệu vi phạm của DN, người tham gia bán hàng đa cấp để người dân nhận biết?

- Tại Việt Nam hoạt động bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh được pháp luật cho phép thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, ngoài các DN và người tham gia bán hàng đa cấp của DN thực hiện đúng quy định của pháp luật thì vẫn có một số DN và người tham gia bán hàng đa cấp lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động này, gây tổn thất về kinh tế cá nhân người dân, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, nguy cơ gây mất ổn định trật tự xã hội.

Vì vậy, người dân không nên tin vào những hứa hẹn làm giàu một cách nhanh chóng mà không phải lao động, vì không có hình thức kinh doanh nào có thể đem lại lợi nhuận nhanh chóng mà không phải bán hàng. Tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP cũng đã quy định, DN bán hàng đa cấp không được phép chi trả hoa hồng, lợi nhuận vượt quá 40% doanh thu bán hàng.

Người dân khi được DN, người tham gia bán hàng đa cấp rủ rê, mời mọc với những hành vi như sau thì không nên tham gia: Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp (đưa ra những khoản lợi ích không có thực, cơ hội làm giàu siêu tốc, không phải làm gì vẫn có tiền…); lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính, trả lãi theo đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của DN bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia; tư vấn cho người dân tham gia bán hàng đa cấp nhưng lại không quan tâm đến hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia mới và thu tiền của họ; yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác; cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định hoặc không cam kết mua lại hàng hóa với mức tối thiểu 90% mức giá đã bán cho người tham gia trong thời gian luật định là 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp nhận hàng theo quy định; DN hoạt động bán hàng đa cấp khi chưa được Cục Quản lý cạnh tranh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;…

Cuối cùng, người dân cần chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật để không bị các DN bán hàng đa cấp bất chính dụ dỗ, lôi kéo. Mặt khác, khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với hoạt động này, nếu thực hiện sai quy định thì người dân cũng đang vi phạm pháp luật và là người tiếp tay cho DN vi phạm pháp luật.

Xin cảm ơn ông!
Đến hết tháng 1/2016, có 39/53 DN bán hàng đa cấp nộp báo cáo hoạt động trong năm 2015 về Sở Công Thương Hà Nội. Các DN bán hàng đa cấp thu hút gần 197.000 người tham gia trên địa bàn TP; doanh thu đạt gần 1.959 tỷ đồng; hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp gần 606 tỷ đồng.