Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, đây là nghịch lý rất lớn trong công tác quản lý giá. Thưa ông, vì sao giá xăng dầu đã giảm tới 30% từ tháng 7 tới nay nhưng nhiều hàng hóa không giảm giá? - CPI giảm sẽ tác động tới giá hàng hóa tiêu dùng và quan trọng hơn là chi phí đầu vào cho sản xuất của các DN, dẫn tới giá cả hàng hóa giảm, chi phí sản xuất giảm, góp phần tăng sức mua và giúp DN tiêu thụ hàng hóa tốt hơn. Nhưng rõ ràng, giá cả trên thị trường hiện nay vẫn như cũ. Điều đó cho thấy hiệu năng của các chính sách quản lý yếu, chưa xử lý được đáng kể các trường hợp vi phạm. 12 lần giảm giá xăng, đáng ra giá hàng hóa, cước vận tải phải giảm dù lấy lý do có độ trễ về chính sách nhưng không thể chấp nhận việc giảm giá quá chậm như hiện nay. Trong cơ cấu giá thành vận tải (giá xăng chiếm khoảng 30%) với mức giá xăng như hiện nay, đáng ra giá vận tải phải giảm 10%. Nhưng hiện nay có DN giảm 5%, có DN không giảm với những lý do rất vô lý. Ở góc độ khác, giá hàng hóa xuất khẩu thấp hơn cả giá bán lẻ trong nước như giá đường, giá gạo là một sự vô lý đang xảy ra ở thị trường Việt Nam. Lỗi ở đây là do chi phí trung gian, chi phí giá thành. Cơ quan quản lý giá từng nói, giá cả do thị trường quyết định chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính. Vậy, phải thay đổi quản lý giá thế nào để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông? - Nhà nước phải điều hành bằng cách không độc quyền; mở rộng liên kết sản xuất, phân phối, đảm bảo chất lượng hàng hóa… còn giá cả lúc đó sẽ thuận theo quy luật của thị trường… Ngay giá xăng dầu điều hành còn chưa đạt, phải 15 ngày mới điều chỉnh, cũng phải chờ độ trễ… nên càng làm cho nghịch lý “xăng dầu giảm mà giá hàng hóa đứng yên” khó giải quyết hơn. Với tình hình giá hàng hóa vẫn đứng yên như hiện nay, những điều kiện đặc biệt như vậy thì Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương…, phải dùng các tập đoàn, DN lớn để bình ổn với những mặt hàng thiết yếu như: Vận tải, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa cho trẻ em… Quy luật tất yếu với mỗi mặt hàng là nhiều người làm thì giá cả sẽ cạnh tranh hơn, có lợi cho người tiêu dùng hơn. Cơ quan quản lý cũng có thể chọn một số mặt hàng thiết yếu để rà soát, kiểm tra và yêu cầu DN điều chỉnh giá phù hợp. Làm tốt điều đó, sẽ giúp giá cả mặt bằng chung giảm tương ứng theo. Kinh nghiệm ở Đức, nếu giá có biến động, họ nêu ra một nguyên tắc giá thành cộng lợi nhuận ra giá bán. Nếu DN nào bán cao sẽ bị thu chênh lệch. Mà vấn đề này thì Luật Giá cũng đã cho phép. Quản lý hàng không, bưu điện… là phải quản lý theo Luật rồi nhưng những mặt hàng thiết yếu khác cũng có quyền quản lý. Chúng ta không cần đi sâu vào quản lý quả chanh hay mớ rau ngoài chợ nhưng nếu quản lý tốt những tập đoàn lớn, những nhà phân phối thì giá các loại hàng hóa khác sẽ giảm theo. Tôi cho rằng, cuối năm 2014 đơn vị nào không chớp thời cơ để giảm giá, khuyến khích khách hàng thì đó là khiếm khuyết và không khôn ngoan. Xin cảm ơn ông!