Có quyền từ chối làm việc nếu thấy nguy hiểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, có rất nhiều việc phải làm trong Tuần lễ quốc gia An toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) năm 2016.

Có quyền từ chối làm việc nếu thấy nguy hiểm - Ảnh 1Quan trọng nhất, từng DN, người lao động (NLĐ) tham gia tích cực và chủ động các biện pháp phòng ngừa.

Lấy chủ đề Tuần lễ là "DN và NLĐ tích cực, chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật ATVSLĐ” là nhà quản lý muốn nhắm tới điều gì, thưa ông?

- Đảm bảo ATVSLĐ – PCCN là công việc của cả năm, vì tai nạn, sự cố xảy ra bất cứ lúc nào. Quan niệm của Ban Chỉ đạo T.Ư, phòng ngừa bao giờ cũng ít tốn kém hơn giải quyết sự cố. Vì thế, chúng tôi đề nghị các DN, NLĐ xây dựng văn hóa an toàn tại chính nơi làm việc và chủ động các giải pháp phòng ngừa.

Luật ATVSLĐ sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016. Để Luật đi vào cuộc sống, quan trọng và sát sườn nhất phải xuất phát từ DN và NLĐ – chủ thể của quá trình sản xuất, kinh doanh diễn ra hàng ngày. Luật quy định rất nhiều quyền. Ví dụ, quyền được bảo vệ, quyền được huấn luyện, quyền được thông tin đầy đủ về điều kiện lao động, kể cả quyền được từ chối khi phát hiện thấy môi trường làm việc nguy hiểm. Bên cạnh quyền là trách nhiệm đi kèm. DN phải có trách nhiệm tổ chức huấn luyện cho NLĐ các quy tắc về an toàn, trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc, máy móc thiết bị phải được kiểm định để đảm bảo an toàn…

Đã có trường hợp NLĐ phát hiện nguy cơ mất an toàn và báo chủ sử dụng lao động, nhưng không được quan tâm. Điển hình là vụ việc xảy ra tại dự án Formusa năm 2015 làm 13 người chết, 29 người bị thương?

- Chúng tôi đã nói, NLĐ có quyền từ chối. Khi phát hiện nguy cơ mất an toàn thì báo cho chủ sử dụng lao động biết. Nếu họ vẫn yêu cầu làm việc thì NLĐ không thực hiện và báo cơ quan chức năng để kiểm tra an toàn.

Trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm nay, số vụ mất ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Vậy, phải giảm thiểu tình trạng này bằng cách nào?

- Thực ra, xây dựng và khai khoáng là 2 lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất. Bộ LĐTB&XH và Bộ Xây dựng đều có chỉ thị để tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động trong 2 lĩnh vực này. Hiện, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)  đang có một dự án về ATVSLĐ, tổ chức thí điểm ở một số nước với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ về kinh phí. Chúng tôi đã bàn và được ILO đồng ý để Việt Nam được tham gia dự án, tập trung vào lĩnh vực xây dựng và khai khoáng. Và ngay trong Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – PCCN, Bộ LĐTB&XH phát động chiến dịch thanh tra các DN có nguy cơ mất an toàn lao động.

Là Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN, ông thấy chế tài xử lý mất ATVSLĐ – PCCN đã đủ mạnh?

- Chế tài của chúng ta có đủ, có thể xử phạt theo Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xã hội với những vi phạm chưa nghiêm trọng. Nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng có thể truy tố trách nhiệm hình sự. Sự cố xảy ra ở dự án Formusa đã có 4 đối tượng bị phạt tù về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” của Bộ luật Hình sự. Nhưng tôi muốn nói, lực lượng thanh tra còn quá mỏng, trong khi có rất nhiều công việc cần phải làm. Vì thế, việc các DN tự kiểm tra quan trọng hơn rất nhiều để hạn chế xảy ra sự cố.

Trong chiến dịch thanh tra này, nếu phát hiện DN vi phạm các quy định về ATVSLĐ – PCCN, sẽ xử phạt thế nào?

- Đành rằng, khi kiểm tra là để đảm bảo ATVSLĐ tốt hơn, nhưng nếu DN nào có lỗi thì căn cứ theo quy định để xử phạt. Tuy nhiên, nhiều khi vì lý do này khác, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng cũng chưa được đưa ra xét xử, và các hình phạt cũng chưa đủ nghiêm để có tính chất răn đe.

Xin cảm ơn ông!
Khó kiểm soát nhóm lao động tự do
Trả lời câu hỏi về quản lý và đảm bảo ATVSLĐ - PCCN ở nhóm những lao động tự do, điển hình là những người làm công việc thu gom phế liệu, ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH khẳng định: Rất khó kiểm soát. Hiện cả nước có khoảng 18.000 lao động làm việc trong các DN. Ngoài ra, có 45.000 lao động tự do phân bổ trên khắp nước. Quản lý lực lượng lao động tự do là điều không thể, bởi lực lượng thanh tra lao động chỉ có khoảng hơn 500 người. Chỉ tính riêng lao động trong khu vực DN, lực lượng thanh tra đã làm không xuể. Chưa kể lao động tự do thường không đăng ký, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Khi sự cố xảy ra, không có cơ sở pháp lý để xử phạt cũng như giải quyết đền bù.