Cơ sở để thu hút nhà đầu tư cho du lịch Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Quản lý Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trườ...

Kinhtedothi - Ban Quản lý Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) vừa giới thiệu Dự thảo Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2013. Giới chuyên môn nhận định, bây giờ Việt Nam mới xây dựng Báo cáo thường niên du lịch đầu tiên là muộn so với khu vực và thế giới. Nhưng muộn còn hơn không, bởi đây sẽ là cơ sở để ngành du lịch Việt thu hút các nhà đầu tư (NĐT) trong nước và nước ngoài.

Muộn còn hơn không

Để quản lý và phát triển du lịch một cách bền vững, ngành du lịch Việt Nam cần tính toán được những lợi ích mà ngành "công nghiệp không khói" này mang lại cũng như các phương cách để trở thành một điểm đến hấp dẫn trong môi trường du lịch toàn cầu đầy tính cạnh tranh. Bởi thế, việc xây dựng Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam là điều cần thiết.

 
Khách du lịch nước ngoài tại Sa Pa. Ảnh: Thanh Thảo
Khách du lịch nước ngoài tại Sa Pa. Ảnh: Thanh Thảo
 
Dự kiến, Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2013 sẽ được hoàn thiện trong vài tuần tới và công tác chuẩn bị xây dựng Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2014 sẽ được triển khai trong tháng 1 - 4/2015.
Theo ông Vũ Quốc Trí - Giám đốc Dự án EU, việc xây dựng Báo cáo thường niên đã được các nước trên thế giới làm từ lâu, ngay cả những nước trong khu vực vốn có ngành du lịch phát triển chậm hơn Việt Nam như Lào và Campuchia cũng đã làm. Do vậy, Việt Nam bây giờ mới bắt tay xây dựng Báo cáo lần đầu tiên đã là muộn, nhưng là việc cần thiết phải làm ngay. Bởi đây không chỉ là tài liệu tham khảo giúp các bên liên quan đến du lịch có một cái nhìn tổng quan về du lịch trong một năm qua, mà còn là cơ sở để thu hút các NĐT trong và ngoài nước vào lĩnh vực du lịch.Dự thảo Báo cáo thường niên du lịch được Dự án EU giới thiệu gồm 7 chương, cung cấp cho tất cả các bên liên quan một cái nhìn tổng quan về tiến độ và những thành tựu mà ngành du lịch đạt được, các hoạt động marketing và xúc tiến du lịch cũng như hoạt động của lĩnh vực lưu trú và lữ hành trong năm 2013. Tài liệu không chỉ đáp ứng nhu cầu về thông tin của các NĐT tiềm năng, mà còn giúp thiết lập cơ sở để xác định được các xu hướng du lịch trong tương lai. Đặc biệt, Báo cáo còn nêu và phân tích "giá trị gia tăng" (gia tăng việc làm và thu nhập cho địa phương) nhờ phát triển du lịch tại Việt Nam. Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành du lịch phải đối mặt trong tương lai. Đây được xem là Báo cáo thường niên về du lịch đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

5 năm để “nhập cuộc”?

Ông David McEwen - chuyên gia về thống kê của Dự án EU cho rằng: "Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2013 sẽ là nền tảng để thực hiện các Báo cáo khác trong tương lai. Việt Nam cần bắt tay ngay từ bây giờ để các Báo cáo dần được hoàn thiện hơn. Bởi phải mất chừng 5 năm mới có thể cho ra Báo cáo thường niên du lịch đầy đủ và phù hợp thực tiễn". Mặt khác, giới chuyên môn tỏ ra lo lắng khi không phải số liệu thống kê nào sử dụng để xây dựng Báo cáo thường niên cũng có sự thống nhất. Như chia sẻ của bà Hoàng Quế Nga - chuyên gia Nhóm Kỹ thuật về cơ sở và thể chế (Dự án EU): "Hiện tại, mỗi địa phương có một cách thống kê du lịch khác nhau. Ví dụ ở lễ hội Đền Hùng (Việt Trì), một du khách được tính là một người đến tham quan hoặc dự lễ hội trong một ngày. Nhưng Nha Trang chỉ thống kê khách ngủ qua đêm. Vậy nên, số lượng khách du lịch Đền Hùng lớn hơn lượng khách nghỉ đêm ở Nha Trang. Đó là một cách thống kê không chính xác". Bà Nga cho biết thêm, đến thời điểm này, Tổng cục Du lịch đang trình Bộ VHTT&DL hệ thống mẫu báo cáo thống kê, và nếu như hệ thống này được phê duyệt thì Dự án EU sẽ hỗ trợ cho Tổng cục Du lịch hướng dẫn tất cả các địa phương để thống nhất cách thống kê. Nếu điều đó được thực hiện thì sang năm, ngành du lịch sẽ có một số liệu thống kê tương đối chính xác từ gốc là các địa phương.

Góp ý cho Dự thảo Báo cáo, ông Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh, để xây dựng một Báo cáo thường niên du lịch phải có nội dung đầy đủ. Song, đây là một công việc khó khăn vì nguồn thông tin hiện có chưa thực sự đảm bảo. Hiện, bản dự thảo còn thiếu một số nội dung như: Số liệu về nhóm khách du lịch nước ngoài; nhà hàng, nhóm nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, những đánh giá của các chuyên gia trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa thực sự sắc sảo về những nhóm vấn đề nêu ra. Do đó, tới đây cần có những đánh giá riêng biệt, khách quan dựa trên tình hình thực tế chứ không đơn thuần dựa vào con số thống kê.