Việc ban hành Luật Thủ đô là cơ sở để giải quyết những vướng mắc trong quy hoạch đô thị, hạ tầng xã hội và đặc biệt là xử lý những bất cập trong quản lý hiện nay, để Hà Nội có điều kiện thực hiện trách nhiệm là Thủ đô của cả nước.
Đòi hỏi từ thực tế
Tất cả các ĐBQH khi thảo luận dự án Luật Thủ đô đều có chung nhận định: Hà Nội đang quá tải cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Sự xuống cấp về hạ tầng có nguyên nhân chủ yếu là do dân số tăng quá nhanh, chỉ tính riêng khu vực nội thành cũ gồm 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, hiện có hơn 1 triệu người đăng ký hộ khẩu thường trú.
Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục, mỗi năm Hà Nội tăng xấp xỉ 100.000 học sinh, riêng khối mầm non là 38.000 trẻ. Thiếu trường, nên phụ huynh phải thức trắng đêm xếp hàng xin học cho con và chấp nhận một lớp có tới 50 - 60 học sinh…
Luật Thủ đô ban hành để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh: Huy Hùng
Từ tháng 4/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" với mục tiêu là năm 2007 phải hoàn thành việc xử lý này.
Nhưng, đến nay, cùng với TP Hồ Chí Minh, số cơ sở tại Hà Nội phải di dời vẫn đếm trên đầu ngón tay chỉ vì thiếu cơ chế pháp lý. Hay như chủ trương di chuyển trường học, bệnh viện ra ngoài nội thành để giảm tải hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội có từ hơn 10 năm nay, nhưng không những chậm được triển khai mà nhiều bệnh viện, trường học còn xây to hơn, cao hơn cũng chỉ vì chúng ta thiếu những chế tài thực hiện…
Tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Thủ đô, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) đã thẳng thắn chia sẻ: "Thủ đô đang quá tải, nếu không có biện pháp quản lý tôi sợ mấy năm nữa ra họp sẽ chẳng còn đường mà đi".
Như vậy để nói, có rất nhiều vấn đề mang tính xã hội mà Hà Nội cần phải có cơ chế đặc thù để giải quyết, mà cơ chế đó phải được quy định bằng Luật để điều chỉnh mới đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô
Dự thảo Luật Thủ đô được xây dựng từ tháng 3/2009 và đã được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà quản lý, luật sư, nhân dân cả nước. Dự thảo Luật cũng đã được Quốc hội xem xét nhiều lần, các đại biểu đóng góp ý kiến và được bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật và thực tế để đáp ứng yêu cầu.
Với cách đặt vấn đề: Luật Thủ đô không phải là luật dành cho Hà Nội với tư cách là một đô thị trực thuộc T.Ư, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật ban hành để điều chỉnh Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước. Bởi nếu các luật khác như Luật Cư trú, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường… có chương dành riêng các quy định cho Thủ đô thì việc xây dựng Luật Thủ đô là hoàn toàn không cần thiết.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, khi làm luật chúng ta chưa tính đến việc này và Luật Thủ đô nhằm bổ sung, hoàn thiện cho hệ thống pháp luật của đất nước. Đây là việc làm cần thiết, đúng thủ tục, đúng thẩm quyền của Quốc hội, xuất phát từ yêu cầu khách quan của đời sống xã hội.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Quang Nghị nhìn nhận: Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước, bản thân những luật đã thông qua vẫn rà soát điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Trong khi các luật đã thông qua không đủ điều kiện cho Hà Nội phát triển thì Luật Thủ đô được xây dựng là để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Dự thảo có đề cập để Thủ đô được hưởng cơ chế riêng, đặc thù không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển Hà Nội mà còn đáp ứng yêu cầu của Thủ đô với tư cách đảm nhiệm các chức năng, yêu cầu của Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Dự thảo Luật Thủ đô nếu được thông qua sẽ góp phần mang lại hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, phát triển Thủ đô.
Để tiếp tục bổ sung vào dự thảo Luật Thủ đô trước khi được Quốc hội thông qua, ngày 3/11, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Văn phòng Dự án PIAP tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô. Đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Với vị trí, vai trò của Thủ đô là Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia thì việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan T.Ư, TP Hà Nội và nhân dân cả nước...
ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ: Làm rõ hơn cơ chế đặc thù Việc xây dựng Luật Thủ đô là việc làm hết sức cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý để Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam phát triển. Dự thảo đã tiếp thu được các ý kiến đóng góp tại các kỳ trước và nhiều vấn đề đã được đề cập rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cái đặc thù nhất của Hà Nội riêng có hiện nay cần làm rõ là tất cả các cơ quan đầu não như Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, nơi diễn ra các hoạt động chính trị lớn của cả nước và quốc tế. Với đặc thù này, chắc chắn trong điều hành của TP Hà Nội sẽ có những sự khác biệt với các địa phương khác và cần có những đặc thù trong mối quan hệ với các cơ quan T.Ư, trong quản lý chỉ đạo điều hành. |