Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có thể chưa tâm phục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ thông tin về công tác kiểm toán hiện nay.

Ông Phùng Quốc Hiển.
Ông Phùng Quốc Hiển.

PV: Thực tế thời gian qua, Kiểm toán đưa ra nhiều kiến nghị, kết luận nhưng việc thực hiện của các cơ quan, Bộ, ngành chưa được nghiêm túc. Ví dụ như việc thu hồi những khoản ngân sách chi sai. Theo ông, có giải pháp nào để khắc phục?

Ông Phùng Quốc Hiển: Đúng là kết luận của kiểm toán vừa qua đánh giá trong những báo cáo quyết toán ngân sách, hoặc đánh giá báo cáo tình hình ngân sách hàng năm đều cho rằng thực hiện kết luận kiểm toán chỉ đạt 70-75%, còn 25% là chậm. Chậm có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, các tổ chức được kiểm toán có sai phạm chưa nghiêm túc thực hiện kết luận. Thứ hai, có thể người ta nghiêm túc thực hiện nhưng vì quá trình phát hiện cái sai đó cần có thời gian để xử lý những sai phạm đó, nhất là những chi tiêu tài chính sai thì phải thu hồi. Thu hồi không phải ngày một, ngày hai là làm được. Thứ ba nữa có thể kết luận của kiểm toán nhiều khi chưa thực sự thuyết phục người bị kiểm toán, cho nên người ta còn tiếp tục tranh luận, đề nghị xem xét lại và thậm chí có nhiều cái không phải tạo sự đồng thuận ngay.

Theo tôi, đã là quy định của pháp luật và pháp luật đã giao cho kiểm toán trách nhiệm đó thì kiểm toán phải nâng cao chất lượng của mình. Nhưng đồng thời, các cơ quan đã có kết luận của kiểm toán phải tuân thủ nghiêm. Đó là một trong những điều mà sau này chúng ta phải sửa trong hệ thống pháp luật trong đó có Luật kiểm toán.

PV: Quốc hội có thể ban hành nghị quyết về việc thực hiện kết luận của kiểm toán, thưa ông?

Ông Phùng Quốc Hiển: UBTCNS đang tiến hành một cuộc giám sát về việc thực hiện các kết luận sau kiểm toán. Nhưng không phải Quốc hội mỗi năm lại ra một nghị quyết về chuyện đó mà phải đưa ra thành luật. Khi anh nào không tuân thủ thì có một chế tài để xử lý, đặc biệt là đối với người đứng đầu, người có trách nhiệm để sửa đổi kịp thời những kiến nghị do kiểm toán nêu.

PV: Theo ông, Kiểm toán đã phát huy được vai trò trong việc giám sát và phát hiện sai phạm trong việc thực thi kỷ luật tài chính?

Ông Phùng Quốc Hiển: Kiểm toán thời gian qua đã làm được nhiều việc, đặc biệt, bây giờ ta đang đi từ hướng kiểm toán tài chính để xác định hiệu quả, tính đúng đắn. Nhưng từ kiểm toán tài chính để làm nổi bật lên vấn đề tuân thủ pháp luật, chấp hành các qui đinh, chính sách, chế độ về tài chính, ngân sách có đúng không? Kết quả là đúng nhưng hiệu quả thế nào?

Kiểm toán phải nâng lên một tầm nữa là kiểm toán hoạt động. Nghĩa là kiểm toán đánh giá hiệu quả đầu tư, chi tiêu. Đó là xu thế chung. Chính vì thế, từ kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ đến kiểm toán hoạt động là cả một quá trình. Thời gian qua, chúng tôi đánh giá kiểm toán đã làm tốt việc kiểm toán tài chính. Thứ hai, là bắt đầu chỉ ra nhiều vấn đề. Qua kiểm toán phát hiện được nhiều vi phạm thể hiện sự chưa tuân thủ pháp luật của nhiều đối tượng, từ việc chi tiêu ngân sách đến quản lý, thu thuế... Đó cũng là bước tiến tích cực.

Những năm gần đây, kiểm toán đã chuyển rất mạnh sang kiểm toán hoạt động và đang có xu thế gắn bó 3 loại hình này.

Kiểm toán  hoạt động cũng đánh giá hiệu quả. Nhiều chi tiêu không sai, quản tài chính đúng, chi không sai chế độ nhưng chi không hiệu quả.

Không ai khác, chính kiểm toán phải là người giúp Quốc hội đánh giá được hiệu quả đầu tư, chi tiêu thế nào. Bên cạnh công cụ thanh tra, kiểm toán đã góp phần vào việc đó. Vừa qua đánh giá tình hình ngân sách, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách, cũng dựa nhiều vào dữ liệu của kiểm toán và đánh giá cao những cố gắng của kiểm toán.

PV: Theo ông, vai trò kiểm toán cần được quan tâm thế nào?

Ông Phùng Quốc Hiển: Kể cả lúc thuận lợi hay khó khăn của ngân sách thì vấn đề kỷ luật tài chính vẫn là một nguyên tắc hàng đầu. Có nghĩa là phải tuân thủ pháp luật từ việc chấp hành các cơ chế ngân sách, tiêu chuẩn, định mức, cũng như chấp hành nguyên tắc hạch toán.

Khi gặp khó khăn thì kỷ luật tài chính càng phải được nêu cao hơn. Muốn làm được điều đó có lẽ không ai khác mà chính là hệ thống của chúng ta. Ngay trong hệ thống tài chính, những người làm công tác quản lý, tài chính, kế toán phải hết sức quan tâm đến chính sách, chế độ tài chính của Nhà nước.

Vừa qua, chúng ta thấy có việc không chấp hành chính sách. Ở đây có trách nhiệm người đứng đầu và của người thực thi trách nhiệm.

PV: Cảm ơn ông!/.