Kinhtedothi - Trao đổi với báo chí chiều ngày 20/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giá dầu thế giới mấy ngày qua đang đứng ở mức 47 - 48 USD/thùng, nếu so với mức dự toán là 100USD thì đã giảm 50 - 60%. Với diễn biến tình hình giá dầu như hiện nay, ngân sách Nhà nước (NSNN) có thể giảm thu 70.000 tỷ đồng.
Tình huống xấu nhất, giá dầu xuống tới 20 USD
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, có tổ chức dự báo giá dầu giảm trong khung 20 - 50 USD, nhưng đó là dự đoán theo chu kỳ và sau chu kỳ họ dự đoán sẽ là giai đoạn bùng phát về tăng trưởng kinh tế thế giới; có tổ chức dự đoán 70 - 80 USD, tức là chỉ là trong ngắn hạn. Quan điểm của lãnh đạo ngành tài chính là giá dầu xuống về mặt dài hạn là tốt. Bộ Tài chính vẫn liên tục theo dõi cập nhập tình hình diễn biến của giá dầu thế giới và tiếp tục phối hợp điều hành vĩ mô với các bộ. "Các giải pháp, kịch bản đối phó đã báo cáo Thủ tướng, về phía Bộ Tài chính để giải quyết những khó khăn cho năm 2015, Bộ Tài chính đang tập trung cùng các ngành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư để DN phát triển cũng là tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế tạo nguồn thu lâu dài. Ngoài ra, toàn ngành tài chính đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thu, nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng, chống chuyển giá và chống buôn lậu gian lận thương mại để tăng thu NSNN" - Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu trong nước, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiếp tục điều hành chặt chẽ, đảm bảo, giá thế giới thế nào, giá trong nước bám theo thế đó. Quan điểm của lãnh đạo ngành tài chính là, khi có điều kiện là giảm ngay không đợi 15 ngày. Về việc giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh song các DN kinh doanh xăng dầu lại đang than lỗ và kiến nghị được trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và được lấy Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bù, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, phải hài hòa giữa lợi ích người dân, DN và nhà nước. "DN kêu tồn đấy chẳng lẽ để Nhân dân phải gánh cho nên phải cân đối hài hòa. Nếu làm tốt thì phải giảm theo thị trường và như thế buộc DN nhập khẩu phải tính toán, dự báo thị trường" - Bộ trưởng chia sẻ.
Ham lợi nhuận, giá cước chưa giảm
Trước câu hỏi của phóng viên về việc từ đầu năm đến nay, giá xăng điều chỉnh giảm 13 lần với mức giảm trên 30% nhưng giá cước vận tải giảm chưa tương xứng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận, giá cước vận tải có giảm nhưng mức giảm giữa các DN có sự chênh lệch. Sự chênh lệch này đang đặt ra vấn đề quản lý giá, quản lý cạnh tranh giữa DN. Muốn đánh giá xem DN vận tải đã giảm đủ hay chưa phải thanh tra, kiểm tra xem đủ chi phí hay chưa, bởi kinh doanh lúc nào cũng mong lợi nhuận cao. Hiện các địa phương vẫn tiếp tục thanh tra, kiểm tra, rà soát yêu cầu DN vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm giá xăng dầu.
Bộ trưởng cho biết, khi giá dầu giảm xuống thì chi phí sản xuất, kinh doanh cũng giảm theo. Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai thuế của các DN để xác định chi phí đầu ra, chi phí bán hàng, chi phí lưu thông… của các DN, kịp thời phát hiện các trường hợp tăng giá bán, tăng chi phí sản xuất, kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định. Qua đó truy thu vào NSNN.
Về đề nghị của Bộ GTVT bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nguyên tắc điều hành và quản lý giá phải theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 15 của Luật Giá thì giá cước vận tải không nằm trong danh mục nhà nước bình ổn về giá. Bên cạnh đó, vận tải ôtô hiện nay đang có sự cạnh tranh rộng rãi và mạnh mẽ của nhiều tổ chức, DN, giá cước vận tải ô tô được hình thành trên cơ sở cung cầu của thị trường, thậm chí nhiều DN đã cạnh tranh bằng cách hạ giá cước vận tải để thu hút khách hàng.
Nhiều hãng taxi vẫn chưa giảm cước vận tải dù giá xăng dầu đã giảm mạnh. Ảnh: Công Hùng
|
Đến nay, hệ thống thuế và Hải quan đã rà soát hệ thống hóa 645 thủ tục hành chính (trong đó thuế nội địa là 421 thủ tục, hải quan 224 thủ tục), đã rút ngắn 54% số giờ nộp thuế, giảm được 290 giờ từ 537 giờ xuống còn 247 giờ. Theo quy định của Luật Thuế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), trong thời gian tới sẽ phải giảm thêm 80 giờ, và 10 - 20% chi phí cho DN. (Nguồn: Bộ Tài chính) |