Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có thể lại gây tranh cãi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hơn 10 năm chờ đợi, những tưởng trong tháng 6/2013 Nghị định xét tặng (NĐXT) Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) được thông qua. Tuy nhiên, đến nay Dự thảo Nghị định vẫn bị đình lại, và rất có thể lại gây ra tranh cãi khi tiếp tục được bàn thảo.

Vướng đủ đường
 
Trong cuộc tọa đàm 10 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (PVT), diễn ra ngày 24/7 tại Hà Nội, rất nhiều gương mặt "cây đa cây đề" của ngành khoa học cũng như các vị lãnh đạo đều tấm tắc về thành tựu văn hóa PVT Việt Nam đạt được trong thập niên qua. Song, bên cạnh những việc làm được, điều khiến nhiều người băn khoăn nhất trong hội nghị lần này là thông tin Dự thảo NĐXT NNND, NNƯT vẫn phải nằm chờ.

Mặc dù, từ năm 2002, những người làm văn hóa đã nghĩ và thực hiện quá trình xây dựng Thông tư xét tặng NNND, NNƯT. Nhưng như báo cáo của bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng Di sản văn hóa PVT, Cục Di sản văn hóa thì câu chuyện xây dựng NĐXT rất phức tạp, vướng đủ đường. Ban đầu vướng quy định của Luật Thi đua khen thưởng, chỉ áp dụng với nghệ nhân của ngành thủ công mỹ nghệ, không dành khen thưởng cho nghệ nhân loại hình khác. Năm 2009, Luật Di sản và Luật Thi đua khen thưởng được sửa đổi, vấn đề xét tặng lại vướng ở quan điểm của Bộ Công Thương và Bộ VHTT&DL. Đến khi các nghệ nhân không thể chờ đợi, Chính phủ đã đồng ý để Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương xây dựng Nghị định, thế nhưng vẫn không thể đi đến thống nhất nên lại việc ai đó làm (Bộ VHTT&DL xây dựng NĐXT nghệ nhân của 6 loại hình văn hóa, Bộ Công Thương xây dựng NĐXT nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ).
 
 
Có thể lại gây tranh cãi - Ảnh 1
 
Nhiều nghệ nhân cao tuổi vẫn đau đáu mong chờ một danh hiệu chính thức. Trong ảnh: Ca nương Bạch Vân (trái) và Nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng.   Ảnh: Duy Hoan

Và cuối cùng, NĐXT nghệ nhân lại lỡ hẹn vì chưa được thông qua vào quý II năm nay. Bởi vì: "Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành tạm dừng trình Dự thảo Nghị định tôn vinh phong tặng danh hiệu" - bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết.
 
Địa phương phải linh hoạt

Hiện nay, Bắc Ninh và Phú Thọ là hai tỉnh được nêu gương điển hình vì có chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân. Ông Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Ninh cho biết: "Các nghệ nhân dân ca quan họ và nghệ nhân ca trù được bằng  của Chủ tịch UBND tỉnh, kèm tiền thưởng 5 triệu đồng, được hưởng chế độ đãi ngộ hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hàng năm...". Còn ở Phú Thọ các nghệ nhân hát xoan được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cũng được hưởng nhiều chính sách đãi ngộ.

Hàng chục các tỉnh, địa phương khác có di sản không thể có chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân vì lý do vướng chính sách. Song, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung: "Luật Di sản đã quy định địa phương có trách nhiệm bảo tồn văn hóa PVT trên địa bàn. Các tỉnh tự tôn vinh trên cơ sở nghệ nhân địa phương, không phải cơ sở danh hiệu Nhà nước sẽ không vi phạm. Trong khi chờ danh hiệu chính thức từ Nhà nước, mỗi tỉnh cần linh hoạt xây dựng cơ chế đãi ngộ cho các nghệ nhân".

"Ai ai cũng hiểu, giá trị của di sản văn hóa PVT là nằm trong con người, trong ký ức của các nghệ nhân. Bảo vệ di sản văn hóa PVT xét cho cùng là bảo vệ nghệ nhân", theo lời của GS.TS Ngô Đức Thịnh. Tuy nhiên, điều dễ hiểu ấy lại vẫn còn chờ tranh cãi.