KTĐT - Việt Nam có thể xuất khẩu rau muống, với điều kiện các yếu tố phụ trợ phải sẵn sàng như xe tải lạnh, nhà kho lạnh - Ý kiến của chuyên gia Nhật Bản tại hội thảo về công nghiệp phụ trợ do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 27/7.
Viện trưởng Viện Chiến lược công nghiệp Phan Đăng Tuất, người được cho là “thiết tha và yêu mến” theo đuổi thúc đẩy về ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam suốt 7 - 8 năm qua, phải thốt lên rằng không biết bao lần ông đã đề nghị với cơ quan hoạch định chính sách phải nhanh chóng thúc đẩy ngành công nghiệp này nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển lớn.
Một quốc gia xuất khẩu bằng thứ mình có và mua về thứ mình không có, theo ông, giống như cách hội nhâp từ hạ nguồn. Muốn trở thành một quốc gia công nghiệp, không có cách nào khác, phải hội nhập thượng nguồn bằng thúc đẩy sản xuất chi tiết linh kiện.
Ước mơ một khu công nghiệp phụ trợ song ông Tuất nêu nghịch lý: Hà Nội rộng hơn 3.000 km2 nhưng giờ không thể còn nổi 5ha cho một khu công nghiệp như vậy do quỹ đất nông nghiệp đã được quy hoạch cho các mục đích khác. Trong khi đó, Nhật Bản thời kỳ đầu còn lấp biển để lấy đất cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho hay: "Ngành công nghiệp Việt Nam cơ bản vẫn là ngành công nghiệp gia công (dệt may, giày dép…) và lắp ráp (ô tô, xe máy, thiết bị điện và điện tử…)". Công đoạn lắp ráp là công đoạn thứ tư trong chuỗi giá trị toàn cầu bởi chủ yếu do các công ty nước ngoài làm ở nước khác và nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, giá trị gia tăng thấp và năng lực cạnh tranh kém.
Hệ quả có thể xảy ra, đó là các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất sản phẩm cuối cùng có thể rút khỏi thị trường Việt Nam vì không tìm được nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng tại chỗ, nhất là khi sức ép về chi phí tiền lương tăng lên.
“Nguyên nhân chủ yếu là công nghiệp phụ trợ chưa phát triển”, ông Tuyển khẳng định cần nhanh chóng phát triển công nghiệp phụ trợ.
Không bỏ quên nông nghiệp
Điều quan trọng, theo ông Tuyển, Việt Nam phải lựa chọn phát triển những loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nào theo khả năng, bởi một chiếc ô tô có tới 2 vạn chi tiết phụ tùng thì một mình Việt Nam không thể đủ năng lực để sản xuất hết tất cả 2 vạn chi tiết đó.
Đề cập điều này, ông Sugiyama Hideji, Phó Chủ tịch Shokochukin, một tổ chức về tài chính, chính sách của Nhật Bản gợi ý "Việt Nam có thể chọn ngành chiến lược là những ngành gia tăng xuất khẩu hay những ngành có thế mạnh quốc gia như sản xuất đồ gia dụng, sản phẩm điện phổ biến cho gia đình, hóa dầu, cơ khí, dệt may...".
Một trong những điều ông lưu ý, đó là Việt Nam không nên bỏ quên nông nghiệp. Thực tiễn có nhiều nước rất quan tâm nhập khẩu rau như Nhật Bản. Việt Nam có thể xuất khẩu… rau muống nhưng với điều kiện các yếu tố phụ trợ phải sẵn sàng như xe tải lạnh, nhà kho lạnh.
Chuyên gia Nhật Bản nhấn mạnh không thể có ngành công nghiệp lớn nếu Việt Nam không phát triển công nghiệp phụ trợ. Sự phát triển của ngành này ở Việt Nam phải do Chính phủ hỗ trợ và cần "chạy đua với thời gian".
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Việt Nam cũng cho rằng Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ thuộc danh mục và nằm trong chuỗi sản phẩm - lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi như về giá thuê đất trong khu công nghiệp phụ trợ, miễn thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, miễn thuế thu nhập trong một số năm tính từ khi doanh nghiệp có lợi nhuận sau đó tiếp tục giảm thuế cho nhiều năm tiếp theo…
Ông Phan Đăng Tuất kiến nghị cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về công nghiệp phụ trợ. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam cần thu hút và phân phối FDI cho công nghiệp phụ trợ.