Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có tiền là...học được

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, học thạc sĩ trở thành nhu cầu của nhiều người. Nắm bắt được xu thế...

Kinhtedothi - Những năm gần đây, học thạc sĩ trở thành nhu cầu của nhiều người. Nắm bắt được xu thế này, bằng mọi cách, nhiều cơ sở giáo dục đại học (ĐH) xin Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo thạc sĩ với chỉ tiêu lớn, vì thế, trong quá trình đào tạo lại nảy sinh không ít bất cập. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để người học sau khi tốt nghiệp không phải là những thạc sĩ “giấy”, rất cần cơ quan chức năng phải có quy trình, quy định chuẩn.

Chỉ tiêu đào tạo nhiều, thi đầu vào không khó, thời gian học ngắn nên nhiều người đổ xô đi học thạc sĩ cho dù phải "tự nguyện" đóng góp những khoản phí "ngầm".

Học phí đến 100 triệu đồng

Đào tạo thạc sĩ cấp bằng chính quy nhưng nhiều trường lại bố trí giảng dạy vào các buổi trong tuần hoặc cả ngày nghỉ. Trường được phép ra đề thi, tự tổ chức ôn tập và coi thi không quá nghiêm nên nhiều người mong muốn có tấm bằng thạc sĩ. Nhất là những cử nhân chưa xin được việc làm, học thạc sĩ dường như là biện pháp tình thế để có chỗ… trú chân. Chị Nguyễn Thùy Dung (quận Ba Đình, Hà Nội) đang học lớp thạc sĩ tại một học viện cho biết, sở dĩ chị theo học thạc sĩ là để có thêm tấm bằng cho "bằng chúng bằng bạn". "Bây giờ ai cũng đi học thạc sĩ, chẳng lẽ mình lại chịu tụt hậu?" - chị Dung bày tỏ.

 
Test trình độ tiếng Anh đầu vào các học viên tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. 	Ảnh: Chiến Công
Test trình độ tiếng Anh đầu vào các học viên tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Mong muốn là thế, nhưng để có tấm bằng thạc sĩ, người học phải chịu chi phí rất lớn. Ngay khi đến nộp hồ sơ dự thi, mỗi người phải nộp 2 triệu đồng lệ phí thi và ôn tập, không có nhu cầu ôn tập trước khi thi thì cũng phải đóng học phí. Khi học kết thúc môn, cả lớp góp 2 - 3 triệu đồng bồi dưỡng thầy. Khi thi hết môn, lớp lại tiếp tục... "đi" thầy khoảng 1 triệu đồng để được biết trước câu hỏi hoặc thầy coi thi dễ. Rồi tới đây, làm và bảo vệ luận văn, lại tiền cho thầy cô hướng dẫn, phản biện…, khó khăn lắm nhưng vẫn phải cố" - chị Dung lo lắng.

Có thể nói, học thạc sĩ đang trở thành xu hướng, phong trào của giới trẻ. Nhất là những cử nhân vừa tốt nghiệp ra trường, học thạc sĩ để "giết" thời gian rảnh và có cơ hội xin được công việc phù hợp. Anh Nguyễn Quang Hưng, tốt nghiệp ĐH Sư phạm năm 2013 cho hay, rất nhiều bạn trong lớp đi học thạc sĩ. Điều này cũng bởi, năm đầu tiên nhà trường được phép tuyển sinh bậc này nên việc đào tạo dễ hơn các trường khác. Ngoài mức học phí 32 triệu đồng/4 học kỳ và phong bì tự đóng góp cho mỗi thầy là 1 triệu đồng thì những chi phí phát sinh khác khiến học viên phát hoảng.

Lạc hậu nếu không là thạc sĩ?

Mặc dù chi phí không ít, nhưng nhu cầu học thạc sĩ của người trẻ vẫn cao, kể cả những người đang có công việc ổn định với hi vọng bằng thạc sĩ có thể giúp họ củng cố và thăng tiến trong sự nghiệp. Bởi thế, không có gì khó hiểu khi học thạc sĩ đang là chủ đề bàn luận của nhiều người. Nguyễn Phương Thùy, cựu SV khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Biết rằng học thạc sĩ không giúp được gì cho công việc chuyên môn, nhưng sang năm em cũng phải đi học, nếu không sẽ thành người lạc hậu so với các bạn trong lớp ĐH và so với thời đại".

Trao đổi về vấn đề này, GS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: "Đó là quan điểm sai lầm! Tốt nghiệp ĐH bị thất nghiệp đã là lãng phí, giờ các trường lại đua nhau đào tạo thạc sĩ để rồi… thất nghiệp lại càng lãng phí hơn! Theo tôi, các bạn muốn có cơ hội xin việc làm, cần phải trang bị thêm tay nghề, nhất là khi hiện nay phần lớn cử nhân ĐH, thạc sĩ phải quay lại đi học nghề để làm công nhân". Ngoài ra, theo GS Dong, chất lượng đào tạo thạc sĩ quá kém khiến ông nản khi tham gia đào tạo và hướng dẫn học viên làm luận văn. Thứ nhất, yêu cầu đầu vào quá đơn giản (tốt nghiệp ĐH loại khá được đi học thạc sĩ, trong khi đó đa số SV tốt nghiệp có bằng khá trở lên). Thứ hai, trình độ ĐH của học viên thạc sĩ kém, lười suy nghĩ, đề tài luận văn na ná nhau ở phần giải pháp cho dù tên đề tài khác biệt.

Những bất cập trong đào tạo thạc sĩ khiến nhiều người lo lắng về chất lượng của những tấm bằng. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ 1/7/2014, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ còn tối thiểu một năm thì chất lượng sẽ còn giảm sút nữa nếu như không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.    

            (Còn nữa)