Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ tức 2011- không phải nốt trầm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tuy tình hình kinh tế khó khăn song từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) trên 2 sàn niêm yết đã tạm ứng cổ tức năm 2011 với số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều DN trả cổ tức rất cao, phần nào an ủi các cổ đông vốn đang chịu thiệt hại nặng nề từ giá cổ phiếu (CP) tụt giảm.

Khó khăn, cổ tức vẫn cao

Trải qua một năm nhiều sóng gió khi nền kinh tế rơi vào suy giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, những tưởng đây sẽ là một mùa "đại hội buồn" của các cổ đông. Nhưng những gì diễn ra sau mỗi bản báo cáo thường niên đã phản ánh ngược lại thực tế đó. Doanh thu tăng trưởng nhanh, lợi nhuận cao đi cùng với mức cổ tức hấp dẫn.

Có thể kể đến một loạt DN chia cổ tức cao bằng tiền mặt năm 2011 như ABT 45%; AAM tạm ứng 30% và GIL chia  40%, SDG tạm ứng tỷ lệ 30% vào ngày 23/11 vừa qua, NTL chia 25%... Nhìn lại nghị quyết đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2011, không ít DN có kế hoạch trả  cổ tức 30% trở lên cho năm 2011, trong số này nhiều DN đã tiến hành tạm ứng một phần cổ tức như  BHS (20%), DTL (20%), TIX (25%), AGF (10%), DPR (15%), DVP (20%), PHR (15%), RAL (15%), CMS (15%).

Để tạm ứng được cổ tức bằng tiền, các công ty phải có nghị quyết ĐHCĐ (ĐHCĐ) năm 2011 đề ra mức cổ tức ít nhất là bằng mức chi trả, có báo cáo tài chính đã được kiểm toán (báo cáo bán niên sau soát xét được chấp nhận), có nghị quyết HĐQT thông qua việc chi trả và báo cáo lên UBCKNN. Việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt trong thời điểm này chứng tỏ DN vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh khá ổn định. Con số 15.000 tỷ đồng mà các DN chi trả cổ tức từ đầu năm đến nay cũng không nhỏ, chỉ thấp hơn số vốn DN huy động được qua phát hành trên TTCK vài nghìn tỷ đồng.

Cơ cấu vốn: Bài toán khó!

Câu hỏi đặt ra là trả cổ tức trong thời điểm tiền mặt khan hiếm như hiện nay có thực sự là tốt cho cả DN và cổ đông? Trả lời câu hỏi tại sao kết quả kinh doanh khá tốt, lợi nhuận 10 tháng đầu năm trên 300 tỷ đồng mà DN chưa tạm ứng cổ tức cho cổ đông, lãnh đạo CTCP Tập đoàn Minh Phú cho rằng, ở thời điểm này nên để tiền cho công ty kinh doanh sẽ hiệu quả hơn cho cổ đông. Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm rất tốt, công ty này mới đây mới tạm ứng cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10% trên kế hoạch cả năm đặt ra là 20%.

Tuy vậy, ở góc độ khác, hầu hết NĐT đều mong muốn được chia cổ tức cao, nhất là hiện NĐT đang được miễn thuế thu nhập từ cổ tức. Tại đại hội cổ đông bất thường của Tổng Công ty CP Vinaconex, không ít cổ đông nhỏ lẻ đã bức xúc trước việc tỷ lệ cổ tức ban đầu Tổng Công ty này dự kiến chi trả cho cổ đông là 12% sau đó lại hạ xuống có 7%.  Nhiều cổ đông của FPT cũng không tán thành quan điểm của lãnh đạo công ty là giữ lại tỷ lệ lớn lợi nhuận để tái đầu tư và chỉ chia cổ tức cho năm 2011 ở mức 20%. Cổ đông cho rằng với mức EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) dự phòng cho cả năm là 8.000 đồng thì ít nhất Công ty cũng nên chia ở mức 40%.

Đầu tư ai cũng mong được hái quả, vì thế DN chia cổ tức cao luôn được đánh giá cao ở TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau việc chia cổ tức cao cũng có nhiều điều phải suy ngẫm. Thứ nhất, trong thời điểm khó khăn về nguồn vốn như  hiện nay, các công ty đua nhau trả cổ tức có phải thể hiện ở việc không thể hoặc không có phương hướng mở rộng kinh doanh. Thứ hai, ở thị trường chỉ diễn biến một chiều giảm điểm như TTCK Việt Nam hiện nay, việc chia cổ tức bằng tiền mặt, đi kèm với điều chỉnh thị giá CP vào ngày giao dịch không hưởng quyền, vô hình chung khiến NĐT gần như mất trắng khoản tiền được chia đó bởi sau khi chia giá CP không tăng mà tiếp tục giảm theo xu hướng thị trường. Đã có không ít NĐT bức xúc về bất cập này. "Nếu như gửi tiết kiệm 100 triệu cuối năm tôi được trả lãi 11 triệu đồng. Trong khi bỏ ra 100 triệu đồng đầu tư chứng khoán, nếu như cuối năm tôi được trả cổ tức 10 triệu đồng thì giá trị CP trên sàn của tôi lại bị giảm xuống còn 90 triệu đồng (giả định giá cổ phiếu giữ ổn định). Bất cập này không sửa được sẽ không khuyến khích NĐT tham gia TTCK", một NĐT giãi bày.

 
Xét về nhu cầu thực tế, vào giai đoạn kinh tế khó khăn, thị trường ảm đạm, thì NĐT sẽ chờ đợi nhiều vào cổ tức. Trả cổ tức cao còn chứng tỏ một điều là DN làm ăn hiệu quả, ngay cả vào thời buổi khó khăn... Tuy  nhiên, cũng cần nói thêm có DN không chia cổ tức hoặc chia với tỷ lệ thấp để giữ lại tái đầu tư, có DN lại quan tâm đến việc nâng cổ tức khi kết quả kinh doanh suôn sẻ. Khi một công ty nào đó trả cổ tức càng cao thì khả năng công ty đó bị suy yếu đi càng lớn bởi vì họ phải trả lãi suất đi vay cao để bù đắp lại cho ngân quỹ đã bị hao hụt do việc trả cổ tức.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương

Chuyên gia tài chính, chứng khoán