Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, từ cuối năm 2016, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã tập trung nghiên cứu một số cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, chuẩn bị các hồ sơ thủ tục liên quan để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét đưa dự án Luật vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018.
Tháng 4/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã nhất trí trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).Dự thảo đề cương tập trung đến sự cần thiết xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; nghiên cứu, đề xuất những chính sách cơ bản, cơ chế bảo đảm thực hiện Luật; báo cáo đánh giá tác động một số chính sách cơ bản của dự án Luật; rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành về lĩnh vực dân tộc. Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét về tên gọi của Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, thống nhất về phạm vi, làm rõ các chính sách dành cho “vùng dân tộc” và “miền núi”.Đáng chú ý, có ý kiến băn khoăn rằng, đã có “vùng dân tộc và miền núi”, nhưng chưa thấy đề cập đến “vùng hải đảo”. Trong khi “vùng hải đảo” có diện tích lớn và cũng rất cần có những chính sách hỗ trợ theo Luật. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các chính sách đưa vào dự Luật cũng cần xem xét lại, đảm bảo việc lựa chọn phải tuân theo nguyên tắc hoặc tiêu chí lựa chọn cụ thể. Đồng thời, cần rà soát, bổ sung các Luật, quyết định liên quan đến dự án Luật...