Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Coi chừng nhiễm sán lá gan khi ăn rau sống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 8/9/2010, bé Mai được gia đình đưa vào Bệnh viện tỉnh Phú Thọ khám vì bụng chướng to, nôn khi ăn, sốt nhẹ. Sau khi siêu âm thấy có hình ảnh bất thường ở gan, các bác sĩ đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

KTĐT -  Ngày 8/9/2010, bé Mai được gia đình đưa vào Bệnh viện tỉnh Phú Thọ khám vì bụng chướng to, nôn khi ăn, sốt nhẹ. Sau khi siêu âm thấy có hình ảnh bất thường ở gan, các bác sĩ đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

Mới được 10 tháng tuổi, đang ở độ tuổi ăn sữa, bột nhưng bé Mai ở Lâm Thao, Phú Thọ đã bị nhiễm sán lá gan lớn. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng bé bò ở sân chơi và đã cho vào miệng cuộng rau có ấu trùng sán.

Ngày 8/9/2010, bé Mai được gia đình đưa vào Bệnh viện tỉnh Phú Thọ khám vì bụng chướng to, nôn khi ăn, sốt nhẹ. Sau khi siêu âm thấy có hình ảnh bất thường ở gan, các bác sĩ đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Tại đây, kết quả siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhi bị nhiễm sán lá gan lớn.

Bé được điều trị đặc hiệu trong 2 ngày. Sau một tháng bé đã khỏe và lên 0,7 kg.

Bé Mai không phải là trường hợp duy nhất mắc sán lá gan lớn khi còn nhỏ. Trong số 285 bệnh nhân sán lá gan lớn được theo dõi ở Hà Nội thì có tới 32 trẻ, trong đó có em một tuổi, ở Bắc Ninh, phát hiện nhiễm bệnh vào năm 2005.

Đặc biệt, vào năm 2002, ở Hà Tây, có trẻ 11 tuổi bị nhiễm sán lá gan lớn nhưng lại bị chẩn đoán nhầm là u gan. Bé đã được mổ cắt gan, tuy nhiên sau đó, sán chui xuống khớp gối và chui ra ngoài qua da. Tại các tỉnh miền trung Tây Nguyên, trong 2 năm 2005 - 2007 có tới 212 trẻ mắc bệnh sán lá gan lớn được điều trị tại Quy Nhơn.

Bệnh sán lá gan lớn Fasciola gigantica lưu hành ở ít nhất 47 tỉnh, thành trên cả nước, lưu hành cao trên gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, cừu…) và ký sinh trên người. Người và súc vật nhiễm bệnh do ăn sống phải rau thủy sinh có ấu trùng sán hay uống nước lã có ấu trùng. Bên cạnh đó, một số ấu trùng có thể dính vào dụng cụ như dao, thớt, rổ đựng rau...

Với trường hợp trẻ mới được 12 tháng và 10 tháng tuổi nhiễm sán lá gan lớn thì qua tìm hiểu, gia đình các bé đều ở nông thôn, có nuôi lợn và hái rau về cho lợn để ở sân (trong đó có rau muống ao và một vài loài rau thủy sinh khác). Vì thế, có thể các bé đã bò ra sân và chẳng may cho vào miệng cuộng rau có ấu trùng sán. Cũng không thể loại trừ việc ấu trùng dính vào dụng cụ liên quan đến bữa ăn.

Ấu trùng sán đi vào dạ dày, phá vỏ rồi xuống ruột, chui qua thành ruột vào ổ bụng, rồi từ đó xuyên thẳng vào nhu mô gan. Lúc này, sán làm tổn thương tổ chức gan và tạo nên “ổ tổn thương”. Những ổ này quan sát trên siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh giống như u gan làm cho nhiều thầy thuốc chẩn đoán nhầm.

Ngoài ra, một số trường hợp sán lá gan lớn di chuyển vào trong ống mật và đẻ trứng. Vì thế, không phải trường hợp nào nhiễm bệnh cũng tìm thấy trứng trong phân khi xét nghiệm mà phải xét nghiệm máu tìm kháng thể đặc hiệu.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi ăn rau sống, nhất là rau thủy sinh (mọc dưới nước) như rau cần, rau ngổ, rau cải xoong, rau muống ao và đôi khi rau cải, rau diếp cũng có ấu trùng do tưới rau này bằng nước ao có ấu trùng.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.