Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Coi trọng giáo dục, nêu gương đạo đức cách mạng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đề cao vấn đề đạo đức.

Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc đặt lên trước hết tư cách một người cách mệnh với 23 điều. Tự mình rèn luyện đặt ra nhiều nội dung lớn, đặc biệt là: cần kiệm, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất… Đối với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm. Với công việc phải xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể.

Đó thực sự là tuyên ngôn về đạo đức cách mạng và cũng là yêu cầu đặt ra về đạo đức đối với Đảng và mỗi người cách mạng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

 
Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên HTX nông nghiệp Lai Sơn - Vĩnh Phúc ngày 30/3/1958.
Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên HTX nông nghiệp Lai Sơn - Vĩnh Phúc ngày 30/3/1958.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền. Đảng và chính quyền cách mạng đứng trước nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng Nhân dân, tha hóa về đạo đức, lối sống, mắc vào tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong thư gửi UBND các cấp ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn bệnh hiện hữu trong bộ máy chính quyền như: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Bước vào cuộc kháng chiến cứu nước đầy hy sinh, gian khổ, vấn đề rèn luyện đạo đức trong Đảng càng phải được đề cao. Năm 1947, trong Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã nêu ra 12 điều về tư cách của Đảng chân chính cách mạng và nhấn mạnh "Muốn cho Đảng được vững bền. 12 điều đó chớ quên điều nào". Người đã phân tích sâu sắc đạo đức cách mạng. "Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người".

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu cao cả đó đã được xác định ngay từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2/1930). ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC là mục tiêu thiêng liêng của Nhà nước cách mạng do Đảng lãnh đạo. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải thấu hiểu sâu sắc lý tưởng cách mạng của Đảng để sống và làm việc thật sự với tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Lý tưởng, mục tiêu của Đảng trở thành chuẩn mực đạo đức cách mạng, định hướng phấn đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội càng đòi hỏi Đảng phải coi trọng việc giáo dục, rèn luyện lý tưởng vì nước vì dân. Chú trọng chuẩn mực, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân đối với mọi cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức ở tất cả các cấp, các lĩnh vực công tác. Là Đảng duy nhất cầm quyền nên càng cần phòng ngừa những biểu hiện chạy theo chức quyền, đặc quyền, đặc lợi, phai nhạt lý tưởng, ham muốn vật chất, hưởng thụ. Đại hội XI của Đảng chú trọng một trong những nội dung xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay là rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Đảng chỉ rõ những biểu hiện về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Có nguyên nhân từ tác động khách quan, nhưng chủ yếu là từ nguyên nhân chủ quan: cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân; Kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn hình thức; Việc chỉnh đốn Đảng, sửa chữa khuyết điểm phải bắt đầu từ những vấn đề đó.

Vì vậy, Đảng phải là tổ chức tiền phong, bằng hành động cách mạng, sự hy sinh, phấn đấu kiên cường để hiện thực hóa những mục tiêu thiêng liêng của cách mạng. Mọi hành động, việc làm gương mẫu của cán bộ, đảng viên có sức cảm hóa, thuyết phục để tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp Nhân dân vào trận tuyến đấu tranh. Trong cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến, chính sự hy sinh xương máu của những người cộng sản là tấm gương sáng để quần chúng đi vào hành động cách mạng và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản luôn luôn có mặt ở những nơi, những lĩnh vực khó khăn để tổ chức Nhân dân xây dựng lại đất nước, đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn cùng Nhân dân để cùng nhau đưa đất nước phát triển ngày càng giàu mạnh.
 
Tập trung tuyên truyền 85 năm Ngày thành lập Đảng
Ngày 23/1, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị báo cáo viên để triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm tháng 2/2015. Theo đó, trong thời gian tới, hệ thống tuyên giáo các cấp sẽ tập trung tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2015); tuyên truyền các chỉ thị, kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI. Đồng thời triển khai lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ Luật Dân sự; đẩy mạnh Cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và đảm bảo chăm lo phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 với tinh thần "mọi nhà đều có Tết"… (Phạm Hoan)