Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Coi trọng kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Đại đa số các địa phương, đơn vị đều chưa sử dụng hết số chỉ tiêu công chức, viên chức nhưng lại tự ý ký hợp đồng với tổng số người làm việc cao hơn tổng số biên chế được giao"

Đó là một trong những nhận định chung được Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP vừa chính thức đưa ra sau đợt giám sát thực tế tại các địa phương.

Chưa tuyển đủ chỉ tiêu... 

Trong báo cáo chính thức về kết quả giám sát việc thực hiện tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP Hà Nội từ năm 2011 đến nay, Đoàn giám sát ghi nhận những cố gắng, tích cực và sự chủ động của UBND TP, các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện những nội dung đã được HĐND TP quyết nghị, chấp hành khá nghiêm túc các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và quản lý biên chế trong điều kiện khó khăn do những đặc thù của Hà Nội, nhưng cũng chỉ ra không ít hạn chế trong sắp xếp bộ máy, sử dụng biên chế.
Cán bộ hành chính tại bộ phận một cửa phường Láng Hạ, quận Đống Đa.     Ảnh: Thanh Hải
Cán bộ hành chính tại bộ phận một cửa phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
 
Thực tế giám sát cho thấy, không tuyển đủ biên chế đang là câu chuyện chung dù 3 năm gần đây, số biên chế T.Ư giao cho Hà Nội vẫn giữ nguyên với 9.293 người. Tại Sở NN&PTNT, dù "đã rất cố gắng", nhưng tính đến tháng 7/2014, Sở vẫn còn dư 51 chỉ tiêu biên chế. Tại Sở GD&ĐT, đơn vị sử dụng nhiều biên chế nhất hiện cũng chỉ có 11.500/11.672 chỉ tiêu biên chế. 

Kết luận chính thức của Đoàn giám sát nhận định, một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị không tuyển đủ biên chế là do công tác thi tuyển. Cá biệt, có những đơn vị như Sở VHTT&DL, 3 năm liền không đăng ký tuyển dụng số biên chế còn thiếu, nhưng lại tự ký hợp đồng thỏa thuận với số lượng gần 1.000 người. "Tiêu chí để xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp chưa rõ ràng và minh bạch. Việc thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước rất khó khăn, hầu như không thực hiện được" - đó là nhận xét được Đoàn giám sát đưa ra.

Nhưng vẫn “xin” tăng

Tình trạng để lao động hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn của công chức như thanh tra, quản lý thị trường (lao động này không có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm pháp luật) cũng là một thực tế. Cùng với đó, việc ký hợp đồng lao động vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao xảy ra khá phổ biến và lý giải cho thực trạng này, lãnh đạo các đơn vị đều cho rằng "do thực tế công việc quá nặng nề". Huyện Thạch Thất có số lao động hợp đồng vượt chỉ tiêu biên chế được giao là 112 người, giải thích nguyên nhân, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết: Do nhiệm vụ GPMB các dự án trên địa bàn thời gian qua rất nhiều nên phần lớn những lao động ký hợp đồng  làm việc trong các lĩnh vực tài nguyên - môi trường, GPMB... Tại Sở NN&PTNT, trong khi thừa 334 chỉ tiêu công chức, 73 chỉ tiêu viên chức nhưng Sở vẫn sử dụng quá số hợp đồng lao động làm chuyên môn với con số hơn 900 người và lý giải của lãnh đạo Sở cũng là "để đáp ứng nhu cầu công việc". 

Một thực tế được Đoàn giám sát đặc biệt nhấn mạnh và đáng lo ngại là trong quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm, hầu hết các đơn vị đều đề xuất tăng biên chế. Chính thực tế này, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã phải liên tục nhấn mạnh: "Hai năm gần đây biên chế T.Ư giao cho Hà Nội vẫn giữ nguyên, nhưng qua thực tế đi giám sát chưa một đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều đề xuất tăng so với hiện có". Do đó, trong kết luận chính thức của mình, Đoàn giám sát cũng lưu ý các đơn vị cần coi trọng hơn việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nhưng vẫn nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Để đạt được việc đó, việc xây dựng đề án việc làm phải linh hoạt, "tăng ở chỗ cần tăng, giảm nơi cần giảm", nhưng không làm tăng tổng số định biên được giao. Cùng với đó, Đoàn cũng "gợi mở" TP nên thực hiện thống kê cụ thể số lượng người nghỉ chế độ trong năm và chỉ thực hiện tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% trên tổng số này, 50% còn lại đưa vào phần biên chế dự phòng.