Dự kiến, MTTQ Việt Nam tổ chức hai hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia thành viên HĐTV và các tổ chức thành viên, một số tổ chức xã hội khác vào dự thảo Bộ luật; sau đó, sẽ tổng hợp các ý kiến, để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Coi trọng quyền con người
Phần lớn, các ý kiến tại hội nghị cho rằng, dự thảo Bộ luật đã đề xuất những quy định mới, phù hợp với xu thế chung của thế giới, với xu hướng nhân đạo, dân chủ, tiến bộ. Tuy nhiên, cần thận trọng xem xét những quy định để phù hợp với bối cảnh của đất nước cũng như bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và ổn định trật tự xã hội.
Bày tỏ sự tán thành với quy định không nên áp dụng hình phạt tử hình, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: Trên thế giới có xu hướng chung là giảm, bỏ án tử hình. Nhiều nước bỏ án tử hình mà tình hình tội phạm giảm, một số nước duy trì án tử hình nhưng tội phạm lại không giảm… Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước Quốc tế liên quan đến quyền con người và cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong đó, nghĩa vụ bảo vệ quyền con người là một vấn đề lớn của quốc gia.
Luật sư Huỳnh cũng cho rằng, việc bỏ án tử hình cho một số tội phạm là thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về vấn đề cải cách tư pháp hiện nay.
Tuy nhiên, theo Luật sư Huỳnh, việc bỏ án tử hình không chỉ đơn thuần là một biện pháp tư pháp, kèm theo đó, Việt Nam cần tăng cường thiết chế Nhà nước, tổ chức xã hội tốt hơn để hướng đến một xã hội nhân đạo, nhân văn.
Là giảng viên luật - ông Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) ủng hộ việc giảm thiểu án tử hình bởi lẽ tử hình mà làm sai thì không biết làm thế nào để hoàn trả tính mạng cho người ta…
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm HĐTV văn hóa – xã hội cho rằng: Đối với những người mắc tội tử hình nhưng có thể khắc phục được hậu quả, tích cực hợp tác với Nhà nước, có thể xem xét giảm hình phạt xuống chung thân. Việc sửa đổi này mang tính nhân văn, góp phần thu hồi được thất thoát của Nhà nước và của nhân dân, thể hiện sự phát triển của xã hội.
Ngoài ra có ý kiến, xem xét đối tượng giảm án tử hình là người già, phụ nữ có thể giảm mang tính chất phân biệt, bình đẳng giới. Vấn đề dùng tiền để giảm án tử hình, về cơ bản mọi người nhất trí nhưng việc dùng tiền thay cho tử hình phải quy định chặt chẽ.
Tăng hành vi chống tội phạm tham nhũng
Nhiều ý kiến quan tâm tội danh tham nhũng. Ông Lê Truyền - Phó Chủ nhiệm HĐTV về văn hóa – xã hội cho hay: Luật Phòng, chống tham nhũng có liệt kê 12 tội liên quan đến tham nhũng, trong khi đó Bộ Luật hình sự mới chỉ quy định 7 loại tội phạm.
Theo ông Truyền, hiện tình hình tham nhũng đang diễn ra nặng nề, người dân rất mong muốn xử lý hình sự loại tội phạm này. Ông đề nghị, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung cấu thành tội danh, liên quan đến tham nhũng khác, như: Chạy chức, chạy quyền, làm giàu bất chính, không trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập cá nhân…
Ở khía cạnh khác, Giáo sư Nguyễn Lang (Hội đồng tư vấn về kinh tế) đề cập hoạt động của thị trường đen (như kinh tế ngầm, tín dụng đen, cho vay nặng lãi...). Theo GS, đây cũng là một loại tội phạm, hoạt động có tổ chức cần phải đấu tranh, loại bỏ. Nhưng trong dự thảo Bộ luật (sửa đổi) chưa đề cập đến; đề nghị, cần bổ sung các các loại tội phạm trên và có biện pháp ngăn ngừa, xử lý…
Đại bộ phận các ý kiến cho rằng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này đã có đổi mới cả tư tưởng và nội dung. Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ, pháp Luật, ông Trần Ngọc Đường cho rằng: Dự thảo Luật Hình sự đã có hơi thở mới, tư tưởng mới và đổi mới nhiều nội dung. Tuy nhiên đây là bộ luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần phải xem xét, rà soát, tổng kết cho đầy đủ hơn để bộ luật tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Phó Chủ tịch UBND TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại hội nghị
|