Với quyết tâm thực hiện xây dựng lại những CCC xuống cấp, có nguy cơ đe dọa đến an toàn tính mạng của hàng vạn hộ dân; đồng thời nâng cấp hạ tầng đô thị của Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã lập danh mục kêu gọi các nhà đầu tư với mục tiêu huy động hơn 316.000 tỉ đồng để thực hiện 10 dự án cải tạo, xây mới CCC trên địa bàn TP. Việc huy động tài chính nói trên được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung công bố tại hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” vừa qua.
Theo ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội, hơn 10 năm qua, đến giờ mới cải tạo được 14 tòa CCC (chiếm 1%). Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về quy chế xây dựng, GPMB... Bên cạnh đó, theo Nghị định 101/NĐ – CP, việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng, cải tạo lại nhà CCC phải do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Tuy nhiên, đối với các khu CCC rộng nhiều tòa nhà, đông cư dân, sẽ rất khó tìm được sự đồng thuận trong lựa chọn. Do đó, ông Đạm đề xuất điều này trong Nghị định chỉ áp dụng với việc cải tạo 1 tòa riêng lẻ, đối với dự án bao gồm nhiều tòa CCC thì cần một cơ chế riêng. Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS Phạm Sỹ Liêm lại cho rằng: “Đầu tiên là phải quan tâm đến quyền sở hữu của người dân. Hãy để người dân làm chủ các dự án tái thiết CCC. Để làm được điều đó, cần thành lập các HTX nhà ở giữ vai trò lập kế hoạch và giám sát quá trình tái thiết. Yêu cầu các HTX phải thuê tư vấn từ các tổ chức chuyên môn uy tín. Ngoài ra, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, muốn có nguồn vốn để cải tạo chung cư thì dựa vào giá trị đất đai tại ngay vị trí các khu chung cư đó. Biến các khu chung cư đó thành mặt tiền có giá trị ngay lập tức sẽ thu hút các nhà đầu tư.
Đồng quan điểm với TS Phạm Sỹ Liêm, TS Lưu Bích Hồ đề cao tính sở hữu cá nhân của các gia đình đang sinh sống tại CCC. “Đáp ứng đầy đủ, hợp lý các nhu cầu, quyền lợi của người dân sẽ dễ dàng di dời để cải tạo các CCC” – TS Hồ nói. Tuy nhiên, TS Hồ cũng cho rằng, Nhà nước phải có trách nhiệm chính trong quá trình tái thiết CCC, không thể phó thác cho người dân hay Hội nghị nhà chung cư. Nhà nước phải thay mặt người dân xử lý vấn đề tái thiết, nếu để các mô hình tổ chức như HTX nhà ở đại diện cho quyền lợi của người dân trong quá trình tái thiết sẽ khó lòng đáp ứng được các tiêu chí: thời gian, chất lượng cải tạo CCC. Nhà nước có thể huy động vốn từ các DN, thậm chí có thể huy động nguồn vốn nước ngoài để tái thiết các CCC tại những vị trí hợp lý. Đặc biệt, phải đặt ra tiêu chí rõ ràng: “Ưu tiên tái thiết cái cũ trước rồi mới tinh đến việc xây dựng cái mới”. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm lại tập trung vào các giải pháp thực tế để vận dụng linh hoạt, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách áp dụng cho quá trình tái thiết CCC. TS Đào Ngọc Nghiêm đặc biệt nhấn mạnh kiến nghị Nhà nước bỏ tiền lập quy hoạch chi tiết các khu CCC trên cơ sở phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu với xác định rõ các chỉ tiêu điều chỉnh và đặc thù từng khu. “Cấu trúc khu CCC cải tạo không lệ thuộc nhiều vào mô hình tiểu khu nhà ở cũ mà có thể áp dụng khu ở đa năng. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt cân đối lợi ích đầu tư trong phạm vi cả TP để có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và người dân” – TS Nghiêm nói. Rất nhiều ý kiến, đề xuất mang tinh chiến lược, đa dạng cũng được các đại biểu tham dự Hội thảo đưa ra. Tất cả các ý kiến chuyên môn, giải pháp đóng góp vào mục đích chung: Tái thiết CCC sẽ được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổng hợp, gửi tới chính quyền TP.
Các khu tập thể này cũ là nơi cư trú của hàng vạn hộ gia đình. |
Hiện Hà Nội có hơn 1.579 CCC quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 – 1980, cá biệt có những tòa được xây dựng từ 1954. CCC tập trung chủ yếu tại 76 khu (1.273 tòa), còn lại 306 chung cư riêng lẻ, phân bố trên địa bàn các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, … |
Hà Nội đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách, đi đầu thí điểm cách làm mới nhằm tái thiết CCC trên cả nước, tuy nhiên các chính sách đã xây dựng và thực hiện của Hà Nội đang thể hiện những bất cập khi áp dụng vào thực tiễn. Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội |