Dù đã chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất nhưng cơ quan chống khủng bố của Pháp dường như bất lực khi không thể ngăn chặn được cơn ác mộng này.
"Kẻ quyết tâm, người sẵn sàng chết” – những chiến binh khủng bố đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu mục tiêu tấn công với mục đích duy nhất là gây thiệt hại càng nghiêm trọng càng tốt. Đó là lý do vì sao mà chỉ cần 8 kẻ tấn công đã khiến gần 130 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương trong 6 vụ tấn công liên hoàn, tại nhiều địa điểm khác nhau.
Yves Trotignon - người từng làm việc cho lực lượng chống khủng bố của cơ quan tình báo (DGSE) cho biết, nhiều chiến binh thánh chiến được đào tạo rất bài bản, dễ dàng lợi dụng các sơ hở của lực lượng an ninh Pháp để thực hiện âm mưu. Năng lực đối phó với các phần tử khủng bố của lực lượng an ninh Pháp cũng là điều đáng bàn khi để xảy ra liên tiếp 2 vụ đánh bom liều chết ngay gần sân vận động Stade de France – nơi Tổng thống Pháp và Ngoại trưởng Đức cùng hơn 80.000 người đang xem bóng đá.
Đặc biệt, một địa điểm bị tấn công chỉ cách tòa soạn của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo – nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi tháng Giêng khiến 12 người thiệt mạng chưa đầy 200m. Có điều đáng sợ hơn một “Charlie 2” hay “Charlie-bis” như người Pháp đã gọi, vụ việc hôm thứ Sáu gây ra nhiều khiếp sợ. Nếu như những bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed được cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, thì nay dân thường đã trở thành mục tiêu một cách ngẫu nhiên. Xác suất rủi ro khiến người dân Paris cảm nhận thật rõ ràng về bầu không khí riêng có của chiến tranh, đó là tấn công bạo lực có thể diễn ra vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào và với bất cứ ai.
Paris - Kinh đô ánh sáng, thiên đường của tình yêu chìm trong máu và nước mắt, sợ hãi và sự im lặng đáng sợ trong cuộc tấn công thứ 6 nhằm vào nước Pháp kể từ đầu năm đến nay. Tất cả chỉ bị phá vỡ khi tiếng còi báo động, tiếng xe cảnh sát và tiếng máy bay trực thăng… Hình ảnh những vệ binh được trang bị vũ khí tối tân đi lại trên đường phố đã mang bầu không khí chiến tranh bao trùm trên toàn nước Pháp. Và cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh với Algeria cách đây hơn nửa thế kỷ, nước Pháp bị đặt trong tình trạng khẩn cấp, tạm thời đóng cửa cả biên giới trên không, trên biển và trên đất liền.
Trong lúc sợ hãi bao trùm, người Pháp đã thể hiện được sức mạnh của sự đoàn kết, không bị khuất phục trước cái xấu và cái ác. Nhìn nhận các vụ tấn công vừa xảy ra là một cuộc khủng bố về mặt tinh thần, mục đích chính của nó là khiến dân thường phải sợ hãi, Tổng thống Francois Hollande khẳng định, nước Pháp sẽ không gục ngã và sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố một cách toàn diện hơn.
Sẽ mất nhiều thời gian để người Pháp vượt qua được chấn thương tâm lý này. Nhưng giống như khi tháp Effel chìm trong bóng tối, quốc kỳ Pháp lại rực sáng trên những công trình biểu tượng trên khắp các châu lục, hay những tấm biển “Je suis Paris” được trang trọng hiện diện trên những quảng trường, trên đường phố ở nhiều nước, nhân dân ưa chuộng hòa bình thế giới sẽ luôn sát cánh bên người dân Paris trong cuộc chiến nhằm tiêu trừ cái ác và cái xấu.
Một cảnh sát đặt hoa tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố bên ngoài Nhà hát Bataclan.
|