KTĐT - Thời gian qua, việc quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn nhiều bất cập. Sau kết quả của Thanh tra Chính phủ về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Tài chính theo chức năng nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra việc quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ tháng 1/2003 đến tháng 5/2009.
Được biết, Nghệ An có nguồn tài nguyên khoáng sản hết sức dồi dào và phong phú. Qua khảo sát cho thấy toàn tỉnh hiện có 113 vùng mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn, 171 điểm quặng và đá vôi được phân bổ khá đồng đều ở các địa phương trong tỉnh. Một số kim loại quý với trữ lượng lớn như Vàng, Thiếc, Sắt và các loại đá quý như: Hồng ngọc, Bích ngọc... Ngoài ra, Tỉnh còn có một số khoáng sản khác như Mangan, Titani, Bauxite, Photphorit...
Nghệ An còn có thế mạnh về đá xây dựng với trữ lượng rất lớn, nhiều loại đá có giá trị kinh tế cao như đá trắng Quỳ Hợp, đá bazan, đá đen. Đặc biệt có nguồn đá vôi trên 1 tỷ m3 ở các khu vực Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Con Cuông. Đó là chưa kể hàng loạt các loại khoáng sản khác như Sét, Sét xi măng, than mỡ, Than bùn...
Tuy nhiên trong những năm qua, cùng với việc tích cực phát triển về khai thác khoáng sản, tỉnh cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần phải được quan tâm. Chẳng hạn do chính quyền một số địa phương còn buông lỏng trong công tác quản lý, thậm chí chính quyền một số xã chưa nắm vững Luật Khoáng sản, nên để xảy ra tình trạng khoáng sản bị khai thác bừa bãi nhiều năm nhưng không được chấn chỉnh, (như tình trạng khai thác vàng sa khoáng ở thượng nguồn sông Cả, tình trạng khai thác Thiếc ở Quỳ Hợp, khai thác đá quý ở Quỳ Châu, khai thác đá xây dựng ở Quỳnh Lưu...).
Bên cạnh đó, cũng do lợi nhuận nên một số đơn vị tuy không đủ năng lực tài chính, công nghệ khai thác và chế biến lạc hậu, không đồng bộ nhưng vẫn hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên.
Đặc biệt, do việc quản lý còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, đùn đẩy và không tránh khỏi tình trạng tiêu cực, nên việc khai thác khoáng sản trái phép đã và đang diễn ra ở hầu hết các nơi trong tỉnh. Mặc dù đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh mỗi năm đã xử phạt hành chính hàng tỷ đồng đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Khoáng sản.
Ngoài việc lãng phí, thất thoát tài nguyên, việc khai thác khoáng sản ồ ạt, bừa bãi còn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ thống nước mặt, nước ngầm: suy thoái đất nông nghiệp, phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái. Đó là chưa nói đến việc chế biến khoáng sản không đúng quy trình còn gây nên tác hại cho lâu dài.