Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn chậm nếu vẫn tư duy cũ khi ​cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba tháng cuối năm, số DN Nhà nước (DNNN) cần phải cổ phần hóa (CPH) vẫn ở con số ngất ngưởng: 195/289 DN.

Có nhiều nguyên nhân khiến quá trình CPH DNNN ì ạch. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, quan trọng nhất là cần phải thay đổi tư duy lãnh đạo, nhiều lãnh đạo DN vẫn sợ “mất ghế” sau CPH.

9 tháng, chưa đạt 1/3 kế hoạch
Cốt lõi là phải thay đổi tư duy lãnh đạo sau CPH, có thể phải thay đổi nhân sự, chấp nhận nguyên tắc thị trường, phải đăng ký trên thị trường chứng khoán để thị trường giám sát.
Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN

Số liệu của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN (Bộ Tài chính) cho thấy, tính hết tháng 9, cả nước đã CPH được 94/289 DNNN theo mục tiêu đặt ra. Như vậy, số DN phải CPH trong gần 3 tháng cuối năm vẫn còn tới 195 DN. Đến cuối tháng 9, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thoái vốn được gần 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là vẫn còn khoảng 18.000 tỷ đồng vốn cần thoái, chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực là ngân hàng và bất động sản. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng, tài chính phải thoái hơn 10.000 tỷ đồng, bất động sản hơn 6.000 tỷ đồng.

Đối với khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào khu vực ngân hàng, có GPBank, OceanBank được xử lý xong, PVcomBank sẽ tiếp tục được xử lý sớm. Một số khoản khác đang được tiến hành thoái vốn tích cực như đầu tư của Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) tại PGBank đã có phương án sáp nhập. Phân tích những nguyên nhân khiến tiến trình CPH diễn ra chậm, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng, trước hết là do cung lớn hơn cầu, thị trường vốn, các nhà đầu tư (NĐT) còn thiếu, thị trường chứng khoán có hồi phục nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Các NĐT nước ngoài đã vào nhưng mua chưa nhiều. “Vấn đề quan trọng nhất là minh bạch, công khai rồi nhưng số liệu có chính xác không, có đáng tin cậy không” - ông Tiến nhấn mạnh. Để lấy được niềm tin của NĐT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/NĐ-CP về giám sát tài chính nhằm đánh giá độ chính xác những nội dung công khai của DN, đưa ra chế tài đối với việc công khai và giám sát.
Giao dịch tại phòng chăm sóc khách hàng Tổng Công ty VNPT, được coi là thực hiện CPH tốt. 	Ảnh: Nguyễn Đức
Giao dịch tại phòng chăm sóc khách hàng Tổng Công ty VNPT, được coi là thực hiện CPH tốt. Ảnh: Nguyễn Đức
Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Tài chính DN, khó khăn nữa là vấn đề con người, lãnh đạo DN vẫn e ngại, lo sợ mất vị trí, mất quyền. Đối với một số DN có nhiều tồn tại, khi CPH, sắp xếp lại, sẽ lộ ra yếu kém gắn với trách nhiệm người đứng đầu DN khi rất nhiều tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành làm thất thoát vốn. “Không chỉ lo mất vị trí, lãnh đạo các DN còn sợ trách nhiệm, đây là vấn đề khó khăn nhất, dẫn tới việc tổ chức thực hiện lình xình theo” - ông Tiến khẳng định.

Quan trọng là chất lượng cổ phần hóa

Thời gian qua, những khó khăn về cơ chế chính sách trong quá trình tái cơ cấu DNNN đã được tháo gỡ. Cụ thể, DN có thể thoái vốn theo giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách, hay thoái vốn theo lô… Cùng với đó, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện các giải pháp để DN không phải đợi quy định ra mới thực hiện. Tuy nhiên, đại diện Cục Tài chính DN cho rằng, việc hoàn thành kế hoạch không quan trọng bằng chất lượng CPH. Vì thế, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tham mưu để đưa chế tài xử lý đối với các DN sau CPH nhưng chưa thực hiện quyết toán. Đồng thời, sẽ lên danh sách các đơn vị chậm CPH, yêu cầu các đơn vị thấy vướng mắc ở đâu phải báo cáo tới cấp có thẩm quyền để tìm hướng xử lý.

Để thúc đẩy thoái vốn, tái cơ cấu theo lộ trình đã đề ra, theo ông Tiến, cần chỉ đạo sát sao tiến độ hoàn thành CPH DNNN còn lại theo kế hoạch đề ra. Các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh tại DN. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả, kế hoạch thoái vốn cụ thể cho từng tháng, từng khoản đầu tư ngoài ngành. Coi kết quả của việc thực hiện đề án tái cơ cấu của từng DN là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hội đồng thành viên và ban lãnh đạo DN. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.