Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Con dâu khoái đi… bụi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngay từ lần đầu con về ra mắt gia đình, mẹ đã không thích con và không đồng ý cho con trai mẹ cưới.

Đã được một tuần kể từ ngày con rời khỏi căn nhà này. Mẹ ngồi thẫn thờ nhìn đống đồ chơi của Bờm, ba con ngồi trước màn hình tivi nhưng mắt cứ dõi ra cửa trông cháu nội. Chồng con có lẽ đến hơn 11g đêm mới về. Nhà mình trở nên vắng lặng từ khi con bồng cu Bờm đi.

Trước đây, con chỉ đi một hai ngày, nhưng từ khi có Bờm, con biết Bờm là cháu nội đầu của ba mẹ và cả nhà đều yêu cháu như báu vật nên khi có chuyện không vừa lòng là con ẵm Bờm bỏ đi, như một sự trừng phạt chồng và cha mẹ chồng.

Ngay từ lần đầu con về ra mắt gia đình, mẹ đã không thích con và không đồng ý cho con trai mẹ cưới. Không phải vì mẹ chê con không biết nấu ăn hay không có trình độ đại học, mà mẹ “kỵ” cái tính hay giận dỗi, làm mình làm mẩy của con.

Còn nhớ, trước khi con đến nhà, con trai mẹ đón con trễ 10 phút, vậy mà con ra mắt nhà chồng tương lai với cái mặt hầm hầm. Đến tận lúc ngồi vào bàn ăn, mặt con vẫn không vui; cứ liếc xéo, nhéo hông con trai mẹ mỗi khi có điều gì không vừa ý. Nhìn thái độ đó mẹ rất không hài lòng.

Bằng kinh nghiệm sống, mẹ biết đó là biểu hiện của người không biết cảm thông mà luôn muốn người khác nhất nhất theo ý mình. Ngăn cản con trai không được, mẹ vẫn mang trầu cau đón con về và cầu mong nhận định của mình là sai. Tiếc thay, chính con đã chứng minh suy nghĩ của mẹ là đúng. Con rất hay giận dỗi. Chuyện nhỏ, chuyện lớn gì cũng có thể làm con cáu gắt và “ứng cử viên sáng giá” làm con bực mình chính là chồng con. Chồng không đưa con đi uống cà phê vào cuối tuần - giận; chồng đi làm về hơi muộn - không thèm nhìn mặt; chồng nhậu - đừng mơ lại gần vợ…

Những khi con trai mẹ phản ứng lại cơn giận của con là y như rằng sau khi kể lể, trách móc đủ điều, con xách giỏ lên xe phóng vèo đi, không một lời chào ba mẹ. Con về nhà ba mẹ ruột hay đến nhà bạn bè tá túc cho chồng sáng mắt - như cách nói của con. Mẹ nhớ, có lần hai cô bạn gái của con đến nhà chơi, cả ba bàn chuyện rôm rả về chồng con và con đã truyền kinh nghiệm “dạy chồng” cho bạn: “Chồng tớ mà lạng quạng là tớ bỏ đi bụi liền! Đi vậy vừa sướng cho mình, vừa để hắn sáng mắt bởi thiếu hơi vợ”.

Ngay cả ba mẹ cũng trở thành nạn nhân của con. Chỉ cần mẹ nhắc nhở con không nên ăn mặc “mát mẻ” khi ra đường, hay dọn sạch kệ bếp sau khi nấu ăn là con cũng xụ mặt, im lặng. Mẹ góp ý về thái độ đó thì con vâng dạ rồi lấy cớ về thăm ba mẹ ruột. Sau đó, con trai mẹ phải tìm đón về hoặc con cũng tự về sau hai ngày đi bụi.

 

Lần này thì khác, đã bảy ngày rồi và con ra “tối hậu thư”: Con trai mẹ chỉ được nhậu một tuần/lần; con trai mẹ phải có mặt ở nhà trễ nhất là 7g tối mỗi ngày để tắm và chơi với cu Bờm, phải đưa vợ đi xem phim một tuần/lần và mẹ không được có ý kiến về chuyện ăn mặc của con…

Chuyện vợ chồng con, mẹ không muốn can thiệp, nhưng hễ giận là con bỏ nhà đi, đem con trai của con làm vũ khí để yêu sách với chồng và mẹ chồng thì đúng là quá đáng. Không ai lợi dụng tình thương để đòi hỏi quyền lợi cho mình. Nếu con thấy chồng có những điểm gì chưa được, hay con cho là mẹ quá nghiêm khắc thì nên trao đổi để mọi người cùng điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Con cứ im ỉm rồi hành xử theo ý mình, không quan tâm đến cảm giác của người khác thì cả nhà mình đều không vui.

Con ơi! Sau này rồi con cũng có con dâu, nếu con dâu của con hành xử như thế thì con nghĩ sao?

Mẹ chồng của con.