“Con đường tơ lụa” mới Động lực phát triển kinh tế Á – Âu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/10, tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đề xuất xây dựng một "con đường tơ lụa" nối liền các tuyến đường bộ và đường sắt từ thành phố cảng Busan của Hàn Quốc, đi xuyên Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Trung Á tới các nước châu Âu.

Đáng chú ý, trước bà Park Geun-hye, lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và ASEAN đã nhiều lần đề xuất "con đường tơ lụa" nhằm tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa và năng lượng giữa châu Á và châu Âu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á - Âu diễn ra tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã nhấn mạnh, "con đường tơ lụa" này sẽ giúp tạo ra một thị trường thống nhất rộng lớn hơn. Không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế, "con đường tơ lụa" còn góp phần xây dựng một cộng đồng chung "thống nhất, sáng tạo và hòa bình" giữa hai châu lục; xóa bỏ sự chia cắt, cô lập, căng thẳng và tranh chấp; đồng thời mở cửa giao lưu hợp tác hòa bình giữa các quốc gia.

 
Vận chuyển hàng hoá dọc theo “con đường tơ lụa” từ Trung Quốc sang châu Âu ngày nay.        Ảnh: NYTimes
Vận chuyển hàng hoá dọc theo “con đường tơ lụa” từ Trung Quốc sang châu Âu ngày nay. Ảnh: NYTimes
Những lợi ích do "con đường tơ lụa" đem lại được bà Park Geun-hye đưa ra là không thể bàn cãi, nên không ngạc nhiên khi từ vài năm trước, dự án "con đường tơ lụa" nối Trung Quốc với các nước Á - Âu đã được hồi sinh. Gần 2.000 năm sau khi "con đường tơ lụa" xuất hiện, những nỗ lực của Bắc Kinh để khôi phục 7.000km đường đã được đề xuất triển khai. Hiện, tuyến đường bộ nối hai châu lục Á - Âu đang được đẩy nhanh tiến độ. Trên tuyến đường này có 17 cảng cấp quốc gia, hai sân bay quốc tế và nhiều đường sắt, đường cao tốc nối khu vực Tân Cương nằm sâu trong đất liền thuộc vùng núi miền Tây Trung Quốc với các nước láng giềng ở phía Tây. Ngoài ra, tuyến đường sắt xuyên biên giới thứ hai nối Trung Quốc với Kazakhstan, tuyến đường cao tốc Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan sẽ sớm được đưa vào hoạt động. Theo một nghiên cứu cho thấy, nếu đi bằng đường biển thì một container hàng đi từ miền Trung và miền Tây Trung Quốc sang châu Âu phải mất hơn một tháng, nhưng nếu đi theo "con đường tơ lụa" thì chỉ mất 14 - 15 ngày. Rõ ràng, thời gian vận chuyển ngắn hơn sẽ giúp dòng vốn được tận dụng có hiệu quả hơn, qua đó thúc đẩy kinh tế và phát triển giao thương trong khu vực, đặc biệt là những nơi mà "con đường tơ lụa" đi qua.

 

Khác với "con đường tơ lụa" được tạo nên bởi các thương gia sử dụng lạc đà vận chuyển vải vóc và đồ gốm sứ sang phương Tây, gia vị sang Viễn Đông buôn bán cách đây gần 2.000 năm, "con đường tơ lụa" mới ngày nay gồm các tuyến đường bộ, đường sắt, sân bay, trung tâm truyền thông và các hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt. Dù vẫn còn tồn tại khá nhiều thách thức như hạ tầng yếu kém, những phiền hà trong đầu tư và thương mại ở một số nước dọc theo "con đường tơ lụa" nhưng nó vừa là điểm nối vừa là bệ phóng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại cho các nước Âu - Á. 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần