Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Con nhà nòi" và áp lực chọn nghề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để xác định rõ hơn về đam mê của mình, Tiến tham ra rất nhiều chương trình ngoại khóa, đi du lịch, đọc nhiều tài liệu liên quan nhưng cậu gặp không ít rào cản từ gia đình.

Sở thích không trùng với nghề nghiệp truyền thống gia đình, không ít học trò khổ sở vì áp lực phải theo nghề bố mẹ. Khi đó “lối đi riêng” của các em thường gặp phản ứng dữ dội từ người thân.

Được chọn nghề từ… trong bụng

Em Nguyễn Mạnh Tiến, học sinh lớp 11 ở TPHCM cho hay từ nhỏ, em đã nghĩ sau mình sẽ thành thầy giáo khi nhiều thế hệ trong gia đình đều công tác trong ngành giáo dục. Bố mẹ Tiến hiện đang là quản lý tại các trường học, họ xác định con sẽ theo nghề như một điều hiển nhiên.

Lên cấp 3, Tiến nhận ra mình thích làm việc trong lĩnh vực Du lịch, đi đây đó, khám phá những vùng miền, văn hoá… Để xác định rõ hơn về đam mê của mình, Tiến tham ra rất nhiều chương trình ngoại khóa, đi du lịch, đọc nhiều tài liệu liên quan nhưng cậu gặp không ít rào cản từ gia đình.

"Con nhà nòi" và áp lực chọn nghề - Ảnh 1

Không ít học sinh bị áp lực chọn nghề từ gia đình. Trong ảnh: HS lớp 12 Trường THPT Trưng Vương, TPHCM tham gia tư vấn mùa thi 2013. 


“Bố mẹ nói nếu chọn nghề khác phải tự lo liệu, gia đình không ai ủng hộ. Nếu theo nghề giáo, bố mẹ hỗ trợ rất nhiều nhưng lại không đúng đam mê của em. Bố mẹ thường nói theo nghề giáo phải thật sự yêu thích mà sao còn cố ép em?”, Tiến bức bối.

Có đam mê đối với công việc tạo mẫu tóc nên em Lê Ngọc Thuỳ, học sinh lớp 12, ngụ ở Q.10, TPHCM dự tính sau khi tốt nghiệp sẽ đi học nghề trước khi học nâng cao về lĩnh vực này. Mơ ước và dự tính đó như biến em thành “tội đồ” trong gia đình vốn có truyền thống trong ngành Y.

Thuỳ đã nói rõ mình không đủ khả năng, cũng không có tố chất để làm bác sĩ nhưng bố mẹ em gạt đi, khẳng định nhà mình có gen về nghề, học Y ra sẽ không phải lo lắng về chỗ làm hay tương lai về sau. Thuỳ phản kháng, khư khư bảo vệ sở thích “làm tóc” của mình liền bị bố, hiện đang là trưởng khoa tại một bệnh viện, quát rằng nghề của Thuỳ đã được chọn từ khi cô… còn trong bụng mẹ, không theo thì “mày không phải con của bố”.

Cả nhà quay sang tạo áp lực với Thuỳ, người mẹ còn khóc lóc bỏ ăn để gây sức ép với con. Cuối cùng, cô nữ sinh chấp nhận nộp hồ sơ ngành Y theo ý bố mẹ với tâm trạng chán chường, bi quan.

Trong chương trình tư vấn mùa thi diễn ra mới đây tại một trường học ở Q.1, TPHCM, một bà mẹ nhờ các chuyên gia giải đáp là làm sao để đứa đang con đòi thi vào ngành Điện của mình chấp nhận thi vào Tài chính ngân hàng. Lý do bà đưa ra là vợ chồng mình cho đến bạn bè thân quen chủ yếu làm việc trong lĩnh vực Ngân hàng, con theo đúng nghề thì cơ hội phát triển rất lớn. 

Nhiều ý kiến khuyên người mẹ nên quan tâm đến sở thích, khả năng của con nhưng bà vẫn khăng khăng cho rằng con phải theo đúng nghề của gia đình, còn chọn nghề khác sẽ phải tự bơi rất vất vả.

Cần tìm tiếng nói chung

Em Nguyễn Lê Ngọc Hân, học sinh Trường THPT Phú Hoà (huyện Củ Chi, TPHCM) bày tỏ rất nhiều bạn bè của em phải đối diện với áp lực chọn nghề theo gia đình. “Hầu hết học sinh không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Có thể các bạn đam mê một lĩnh vực nào đó nhưng chưa chắc chắn nên khi tác động từ gia đình thì rất hoang mang. Mà hầu hết bố mẹ lại có xu hướng muốn con theo nghề của mình hoặc theo ý mình mà chưa quan tâm đến khả năng, sở thích của con”, Ngọc Hân cho hay.

“Ép” con theo nghề mình, phụ huynh thường xuất phát từ tâm lý khi có nền tảng trong gia đình thì công việc về sau của con sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều người muốn con theo nghề nhưng không dựa trên năng lực, sở thích của con. Hoặc có nhưng họ lại không phân tích giúp con hiểu điều đó mà thường có thái độ “ra lệnh” nên gây nên bức xúc ở con.

Th.S Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng bộ môn Tâm lý, ĐH Sài Gòn cho hay, khi thí sinh và bố mẹ không tìm được tiếng nói chung trong việc chọn nghề sẽ dẫn đến căng thẳng cho cả hai. Bố mẹ kỳ vọng vào con, còn con lại cho rằng bố mẹ đang “ép” mình.

Tuy nhiên, không phải mong muốn nào của bố mẹ cũng sai vì họ hiểu được năng lực, khả năng của con. Và không phải lựa chọn ngành nghề nào theo sở thích của các bạn trẻ cũng đúng, rất nhiều học sinh chọn nghề theo sở thích nhưng chỉ sau một thời gian, họ chán nản khi nhận ra đó không phải là đam mê thật sự của mình.

Bởi thế, bà Dao cho rằng, phụ huynh và con cái cần phải cân nhắc giữa hai mong muốn, xem ngành nghề nào thật sự con cái có thể theo đuổi và thực hiện dựa trên năng lực, lực học, sở thích, điều kiện, nhu cầu xã hội…

Theo ThS Khắc Hiếu - ĐH Sư phạm TPHCM, trước hết học sinh nên lắng nghe ý kiến của bố mẹ vì nhiều trường hợp ý kiến của bố mẹ rất hợp lý. Còn khi thấy mong muốn của bố mẹ không phù hợp với mình, các em nên thuyết phục, phân tích để bố mẹ tin tưởng vào lựa chọn của mình. 

ThS Hiếu nhấn mạnh, việc định hướng nghề nghiệp của cha mẹ với con cái rất cần thiết nhưng chỉ mang tính hỗ trợ, gợi ý còn quyết định vẫn thuộc về con. Phụ huynh nên khéo léo tạo điều kiện cho con va chạm với ngành nghề mình theo đuổi để biết rõ đó có phải là nghề đam mê thật sự của con hay không. Tuyệt đối không nên làm mọi cách ép con chọn nghề theo ý mình một cách chủ quan vì như vậy có thể phá huỷ cả tương lai của con.

Ông Trần Anh Tuấn - phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM cho biết theo khảo sát, hiện có khoảng 60% học sinh chọn sai ngành học, điều này gây rất nhiều lãng phí cho bản thân các em, gia đình và cả xã hội.