Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn nhiều việc phải làm trong năm 2010

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2009, trước diễn biến bất lợi của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế VN, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp kích thích kinh tế,

KTĐT - Năm 2009, trước diễn biến bất lợi của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế VN, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp kích thích kinh tế, góp phần ngăn chặn suy giảm, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Chưa thể yên tâm với kết quả đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho báo giới hay vẫn còn nhiều việc phải làm trong năm 2010 để thực hiện mục tiêu tăng thu ngân sách và ngăn nguy cơ tái lạm phát.

- Kinh tế VN được ví như vừa trải qua một cuộc vượt cạn. Theo Bộ trưởng, năm 2010, chúng ta có cần tới gói kích thích tiếp theo?

- Năm 2009, trước diễn biến bất lợi của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế VN, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp kích thích kinh tế, góp phần ngăn chặn suy giảm, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Bức tranh kinh tế từ quý II năm 2009 đã sáng hơn, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I là 3,1%, quý II là 4,5%, quý III là 5,8%, quý IV tăng 6,9%)...

Chính sách kích thích mang tính đặc thù của năm 2009 sẽ không còn được áp dụng trong năm 2010. Tuy nhiên, năm nay được nhận định nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy tế năm 2009 và nguy cơ tái lạm phát... Trên cơ sở phân tích các yếu tố dự báo kinh tế trong nước và thế giới, Chính phủ quyết định sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2010 một số chính sách hỗ trợ, kích thích để duy trì phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn, hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, giãn thời hạn nộp thuế một quý đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, gia công dệt may, da, giầy xuất khẩu trong năm 2010.

Bên cạnh đó, năm 2010, Nhà nước vẫn tiếp tục dành các nguồn lực lớn (bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng Nhà nước…) cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo cơ sở thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Ngoài ra, phấn đấu huy động tối đa các nguồn vốn khác trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, đưa tỷ lệ đầu tư toàn xã hội năm 2010 đạt khoảng 41% GDP, đảm bảo nguồn lực giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2010.

- Nhiều ý kiến cho rằng 2010 là năm mà chúng ta cần tập trung cho việc tái cơ cấu nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

- Cơ cấu lại nền kinh tế là cả một quá trình liên tục. Thời gian qua VN đã đạt được những kết quả nhất định trong phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng... Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của VN cho đến nay vẫn chủ yếu theo bề rộng, dựa vào gia tăng quy mô đầu tư và số lượng lao động trong khi tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực còn nhỏ. Cơ cấu các ngành kinh tế biến đổi chậm, tỷ trọng các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, giáo dục, bảo hiểm, các dịch vụ phát triển kinh doanh… còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ; nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các ngành có lợi thế về tài nguyên, lao động chi phí thấp.

Do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, đặc biệt xét trên các khía cạnh về thể chế, trình độ công nghệ và lao động, quá trình chuyển đổi phải mang tính tuần tự; chúng ta không thể ngay lập tức từ bỏ các hoạt động sản xuất công nghệ chưa cao, sử dụng nhiều lao động nhưng chúng ta cần thực hiện các giải pháp tích cực để khuyến khích bước chuyển dịch khẩn trương cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh. Với tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp như hiện nay, tôi cho rằng cần phân tích, lựa chọn, điều chỉnh lại những ngành, lĩnh vực sản xuất cần thiết cho nền kinh tế, có lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh, mạnh; ngược lại những ngành, lĩnh vực kém hiệu quả, không hợp lý thì phải sắp xếp giảm phối hợp tốt trong các khâu chỉ đạo, điều hành và thực thi để việc cải cách nền kinh tế đem lại hiệu quả cao nhất.

Nội dung của cấu trúc lại nền kinh tế là rất rộng, liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành và các địa phương, và cần phải được điều chỉnh liên tục, linh hoạt cho phù hợp với yêu cầu tình hình mới. Những nội dung này được thảo luận kỹ trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

- Công tác điều hành giá trong năm qua được cho là hợp lý, trong tầm kiếm soát, tuy nhiên có ý kiến lo ngại rằng áp lực lạm phát năm 2010 sẽ rất cao, Bộ trưởng bình luận gì về vấn đề này?

- Trong năm qua, chúng ta đã kiên trì nguyên tắc thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước trong điều hành giá; tăng cường kiểm tra, giám sát chống độc quyền về giá. Triển khai áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để ổn định giá cả thị trường từ đó đã đạt được tốc độ tăng giá tiêu dùng ở mức kiểm soát được, không có biến động lớn về giá cả hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Trong 12 tháng năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,52%, thấp hơn chỉ tiêu 7% Quốc hội phê duyệt.

Bước sang năm 2010, chúng ta phải phấn đấu để đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã phê chuẩn, nhưng trong điều hành cần chú ý nguy cơ tái lạm phát cao quay trở lại do các nhân tố sau tác động. Chẳng hạn, kinh tế thế giới năm 2010 sẽ có những cải thiện, có những chuyển biến tích cực hơn và sẽ tăng trưởng khoảng 3,1% (IMF dự báo tháng 10/2009); thoát khỏi suy thoái, vượt lên thì nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ tăng trưởng sẽ tăng; tình hình thâm hụt ngân sách, nợ công của nhiều nước tăng cao và nhiều quốc gia vẫn tiếp tục duy trì các gói kích thích kinh tế… là những nhân tố gây sức ép tăng giá, lạm phát...

Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp lớn để khôi phục phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát cao. Các Bộ, ngành đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất điều hòa cung cầu, tài chính tiền tệ, xuất nhập khẩu, kiểm tra kiểm soát thị trường… ngay từ những ngày đầu của năm mới. Tôi cho rằng có cơ sở để tin chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu giữ chỉ số tăng giá tiêu dùng năm 2010 không quá 7% như chỉ tiêu Quốc hội đã phê duyệt.

- Thưa ông, những biện pháp nào Bộ Tài chính sẽ sử dụng để ngăn chặn lạm phát và "kìm" ở mức một con số?

- Chính phủ đã khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu, trong đó có việc kiềm chế lạm phát ở mức cao quay trở lại, cân bằng giữa hai mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế, trong đó ổn định kinh tế là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, các chính sách tài chính - tiền tệ cần được thực hiện linh hoạt, thận trọng. Điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về tín dụng, cung cầu ngoại tệ... cho phát triển kinh tế; đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế gia tăng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng. Ứng phó có hiệu quả với các biến động của các luồng vốn; giữ ổn định cán cân thanh toán tổng thể và mức dự trữ ngoại hối cần thiết.

Đối với chính sách tài khóa, cần thực hiện tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả cả trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước so với dự toán và ưu tiên giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương. Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, tập trung bố trí vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010-2011; đối với chi thường xuyên, phải chủ động sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách; hạn chế các khoản chi mang tính phô trương, lãng phí... Kiểm soát chặt chẽ dư nợ vay và đảm bảo trả nợ vay đúng hạn.

Phối hợp chặt chẽ công tác điều hành vay bù đắp bội chi và phát hành trái phiếu Chính phủ với công tác điều hành chính sách cung tiền tệ, chính sách lãi suất, nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và đảm bảo huy động đủ nguồn cho nhu cầu chi ngân sách nhà nước.

- Quản lý giá theo cơ chế thị trường là định hướng của ngành tài chính, tuy nhiên kinh doanh xăng dầu vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi về tính thị trường của ngành hàng này, Bộ trưởng có bình luận gì?

- Chủ trương chuyển việc kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường theo lộ trình thích hợp đã được Chính phủ xác định từ trước. Theo đó, từ ngày 15/10/2009, Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực cho phép mặt hàng xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Căn cứ vào đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật.. tự chịu trách nhiệm và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đi liền với cơ chế đó, các doanh nghiệp đầu mối được quyền tự quyết định giá bán buôn xăng dầu, Nhà nước không can thiệp.

Đối với giá bán lẻ, trong phạm vi nhất định, các doanh nghiệp đầu mối được quyền tự quyết định tăng giảm giá, nhưng khi giá biến động lớn, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá. Tôi cho rằng phương thức điều hành như vậy là phù hợp với cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

- Nhìn lại năm 2009, Bộ trưởng còn trăn trở và chưa hài lòng đối với những mặt công tác nào, những nhiệm vụ nào?

- Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, đánh giá một cách thẳng thắn thì công tác điều hành, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) trên thực tế vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, như: Thu NSNN tuy đã rất tích cực, nhưng tình trạng thất thu, nợ đọng thuế vẫn chưa được khắc phục nhiều, tỷ lệ nợ đọng so tổng thu (cả ngành thuế và ngành hải quan) vẫn còn cao.

Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu NSNN tuy đã có những kết quả tích cực nhưng còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu. Tình trạng lãng phí trong một số lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai vẫn chậm được khắc phục, hiệu quả đầu tư thấp, chỉ số ICOR tiếp tục tăng cao; đặc biệt là những tồn tại, hạn chế trong quy hoạch, kế hoạch, bao gồm cả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.... Chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong chi tiêu ngân sách bước đầu đã có sự hưởng ứng tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, nhưng ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, do đó chưa mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, các vấn đề khác như bội chi NSNN đảm bảo được chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng vẫn còn cao, từ đó dẫn đến nợ Chính phủ tăng. Công tác cải cách hành chính còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Việc phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách có nhiều cố gắng, song hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình ban hành và thực hiện các chính sách tài chính tại các Bộ, ngành, địa phương chưa thường xuyên.