Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Còn nhiều vướng mắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi TP Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát được hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm thì Hà Nội vẫn ì ạch trong nhóm những địa phương đuối về việc này.

Chỉ hơn 40% lượng thịt được kiểm soát giết mổ, dễ hiểu vì sao người tiêu dùng TP luôn đặt dấu hỏi về ATTP trước những sản phẩm thịt trên thị trường.

Mối lo từ điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 3 cơ sở giết mổ (CSGM) công nghiệp, 14 CSGM bán công nghiệp, 4 CSGM tập trung thủ công. Mỗi ngày, các cơ sở này xuất ra thị trường trên 302 tấn thịt, đáp ứng được khoảng 42,6% sản phẩm thịt được giết mổ có kiểm soát so với nhu cầu thực phẩm toàn TP. Tuy nhiên, còn 57% lượng thịt chưa được kiểm soát giết mổ, chủ yếu tập trung tại hơn 2.400 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ đang là mối lo lớn về ATTP. Đây chính là nguyên nhân đẩy Hà Nội vào top 3 địa phương có tỷ lệ CSGM xếp loại C (không đạt) và sau tái kiểm tra vẫn xếp loại C cao nhất cả nước (cùng với Yên Bái và Thái Bình).
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra ATVSTP tại huyện Chương Mỹ.
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra ATVSTP tại huyện Chương Mỹ.
Kiểm tra thực tế mới đây của ngành NN&PTNT tại huyện Chương Mỹ cho thấy, phần lớn các CSGM xếp loại C đều là những lò mổ thủ công, nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư. Do hạn chế về mặt bằng, nên từ giết mổ đến xử lý môi trường, kiểm dịch và VSATTP đa số đều không đạt yêu cầu. Chỉ một số ít CSGM được hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP (LIFSAP) đảm bảo cơ bản tiêu chí để đạt loại B, song do không nằm trong vùng quy hoạch giết mổ tập trung nên vẫn bị xếp hạng C. Anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ CSGM tại thôn Mỹ Hạ, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ cho biết, trước đây, gia đình giết mổ theo phương pháp thủ công, gây ảnh hưởng về tiếng ồn cho các hộ xung quanh và chất thải ra môi trường. Từ  ngày được LIFSAP hỗ trợ xây dựng hầm biogas, hệ thống bàn giết mổ, máy chích điện, việc giết mổ đã đảm bảo vệ sinh hơn. “Tuy nhiên, mong muốn của gia đình là được tạo quỹ đất để di chuyển lò mổ ra xa khu dân cư” - anh Tuấn bày tỏ.

Theo báo cáo của UBND xã Hữu Văn, hàng chục lò giết mổ trên địa bàn xã hiện nay đều xen kẽ trong khu dân cư với quy mô nhỏ lẻ giết mổ khoảng 10 - 30 con/ngày. Do đó, nếu không có quy hoạch để xử lý dứt điểm tận gốc rễ vấn đề thì các cơ sở này mãi mãi chỉ xếp loại C. Trong khi đó, tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, CSGM tập trung, xa khu dân cư của anh Vũ Văn Khương có công suất giết mổ 100 - 150 con lợn/ngày đã bước đầu thu hút được hơn 10 hộ làm nghề nhỏ lẻ. Vậy nhưng bất cập là cơ sở này vẫn chưa được bổ sung vào quy hoạch giết mổ của TP. Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, toàn TP mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 38 CSGM. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp TP đã có công văn gửi tới 62 tỉnh, TP đề nghị nếu đưa động vật về Thủ đô để giết mổ thì liên hệ với 38 cơ sở này.

Địa phương chưa quyết liệt

Lý giải cho sự chậm trễ trong thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn TP, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định là do thiếu quỹ đất cho đầu tư xây dựng các CSGM tập trung, tập trung bán công nghiệp. Hơn nữa, việc GPMB phục vụ xây dựng các CSGM còn nhiều rào cản. Ngay cả chuyện bố trí vốn cho công tác này cũng hạn chế, nhiều CSGM gặp khó khi tiếp cận nguồn đầu tư. Rồi số cơ sở được hỗ trợ chi phí giết mổ theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP cũng còn rất thấp. Đặc biệt là một số huyện, thị xã chưa thực sự chú trọng quản lý giết mổ và triển khai quy hoạch giết mổ trên địa bàn.
Các hộ giết mổ nhỏ lẻ được gom vào cơ sở giết mổ tập trung Thịnh An,  xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì.	 Ảnh: Quang Thiện
Các hộ giết mổ nhỏ lẻ được gom vào cơ sở giết mổ tập trung Thịnh An, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì. Ảnh: Quang Thiện
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung rất lớn cho công tác quy hoạch trong nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ cho từng ngành, từng lĩnh vực. Riêng lĩnh vực giết mổ, TP có chính sách hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ xử lý môi trường cho các CSGM và mỗi xã được bố trí một cán bộ thú y. Tuy nhiên, kết quả quản lý giết mổ chưa được như mong muốn, một phần nguyên nhân là do địa phương chưa quyết liệt dẫn tới tình trạng “nước chảy bèo trôi”. Chính vì vậy, trong thời gian tới, TP sẽ rà soát lại quy hoạch giết mổ cho trúng, đúng, phù hợp và kịp thời; đồng thời xem lại tiêu chí hỗ trợ theo Quyết định 16 của UBND TP, bởi có thể thời gian qua, tiêu chuẩn, quy mô để được hỗ trợ quá lớn nên ít CSGM tiếp cận được chính sách.

Qua thị sát và làm việc với ngành nông nghiệp Hà Nội thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng nhận định, Hà Nội là một trong những địa phương có đầy đủ chính sách hỗ trợ cho giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trái với sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiều địa phương chưa quyết tâm vào cuộc. Điều này dẫn tới CSGM nhỏ lẻ vẫn tồn tại trong khi những mô hình tốt chưa được nhân rộng. Ông Tám đề nghị Hà Nội quyết liệt xóa bỏ các CSGM nhỏ lẻ, đánh giá, phân loại chuẩn xác các CSGM theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, nâng cấp các CSGM nhỏ, bán công nghiệp và nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho các CSGM công nghiệp quy mô lớn. Có như vậy, người Hà Nội mới vơi đi nỗi lo về ATTP đối với sản phẩm thịt.